Việc tạm hoãn do lãnh đạo tập đoàn nhận thấy phương án này không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
“Hội đồng quản trị cam kết sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp gần nhất”, Novaland thông tin thêm.
Theo kế hoạch ban đầu, Novaland dự kiến phát hành gần 482,6 triệu cổ phiếu NVL với tỷ lệ thực hiện quyền 1:0,2475 (cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được nhận 2.475 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại BCTC kiểm toán riêng 2021.
Novalan dlần đầu thông báo chốt danh sách cổ đông thưởng cổ phiếu vào ngày 20/10. Sau đó, doanh nghiệp thay đổi sang ngày đăng ký cuối cùng là 14/11 và hiện tại đã tạm dừng kế hoạch này.
Theo báo cáo kinh doanh, Novaland ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 7.900 tỷ đồng sau 3 quý hoạt động, giảm 23% so với cùng kỳ. Phần lớn trong đó đến từ bàn giao các dự án như: NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village..
Tổng tài sản của tập đoàn đạt hơn 259.590 tỷ đồng, tăng gần 29% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản tiền gửi nắm giữ đến ngày đáo hạn tại các ngân hàng đạt gần 22.167 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên mức 129.636 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh phát triển tại các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và từ việc nhận chuyển nhượng các dự án mới. Khoảng 93% lượng hàng tồn kho là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Novaland không phải đơn vị đầu tiên dừng kế hoạch tăng vốn mà trước đó nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện vì thị trường chuyển biến xấu. Đáng kể như: Haxaco, Viconship, Danameco, Cienco4, CKG, Sao Mai, Ladophar và Louis Capital…
LÊ TRÍ