Cụ thể, Masan sẽ chào bán ra công chúng trái phiếu bằng đồng Việt Nam, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm với tổng mệnh giá tối đa 4.000 tỷ đồng và được chào bán trong 2 đợt chào bán ra công chúng.
Theo phương án, Masan sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã MSN12001) với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.
Ngoài ra, Masan cũng sẽ huy động thêm 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.
Dự kiến 2 lô trái phiếu này sẽ được phát hành tương ứng trong quý I/2023 và quý II/2023.
Theo đó, lãi suất của trái phiếu thả nổi, bằng tổng của 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu.
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng, lãi trái phiếu đã thanh toán đến 30/6/2022 là hơn 3.200 tỷ đồng.
Trong 3 năm trước đợt phát hành này: 2019, 2020 và 2021, Masan thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành và đến hạn.
Hồi cuối tháng 9/2022, Masan cũng đã huy động thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 (MSN11906), kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 26/9/2022. Lãi suất 2 kỳ đầu cố định 9,5%/năm, còn lại thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm các nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV).
LÊ TRÍ