Trước đó, có tin đồn, tân Chủ tịch FLC Đặng Tất Thắng đã tung tiền để gom cổ phiếu. Chiều cùng ngày ông Thắng gửi văn bản đến cơ quan chức năng phủ nhận tin đồn nói trên và đề nghị tạm ngưng giao dịch cổ phiếu FLC để điều tra làm rõ dấu hiệu bất thường. Điều gì đã xảy ra với cổ phiếu FLC?
Giao dịch đột biến tăng 100 lần trong phiên ngày 1/4/2022 với hơn 1.000 tỷ đồng
Kết thúc phiên 1/4/2022 có đến hơn 100 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch với giá sàn. Với khối lượng giao dịch nói trên bên mua đã phải chi hơn 1.000 tỷ đồng trong chỉ một phiên giao dịch. Trước đó, trong phiên 30/3 và 31/3, khối lượng giao dịch của FLC chỉ bằng 1% phiên giao dịch nói trên và luôn có hiện tượng “trắng bên mua”.
Cũng trong bối cảnh rối ren đó, ông Thắng tân Chủ tịch FLC bị đồn là đã gom cổ phiếu của công ty này.
Lo ngại về thông tin trên và khối lượng giao dịch bất thường, chiếm đến 14% vốn điều lệ, ông Thắng đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính, UBCK, VSD và HoSE với nội dung bác bỏ tin đồn và xin tạm ngưng giao dịch cổ phiếu FLC để điều tra dấu hiệu bất thường.
“Kính đề nghị UBCK Nhà nước và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại điều 7 Luật chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp): tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1-4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1-4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.”, văn bản nêu rõ.
Ngoài ra, văn bản trên còn phủ nhận việc ông Thắng gom cổ phiếu FLC. Quan điểm FLC cho rằng: Thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung. Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường.
Thế lực nào tung 1.000 tỷ đồng để gom hơn 100 triệu cổ phiếu FLC trong 1 phiên giao dịch?
Theo phân tích của các chuyên gia, nhiều khả năng người chi số lượng tiền mặt nói trên muốn đầu cơ khi biết thông tin tích cực từ cổ phiếu của FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố. Rất có thể, FLC có sự thay đổi nhất định nào đó để giá cổ phiếu có thể tăng.
Nghi vấn đầu tiên có thể kể đến là nhóm người “có liên quan” đến những thành viên HĐQT của FLC vì chính họ là người trong cuộc nên hiểu ra bức tranh nội tại của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Điều này cũng dễ hiểu bởi FLC có công ty chứng khoán phía sau là BOS, nếu muốn thực hiện việc này thì khá dễ dàng. Do vậy, không lạ khi trên thị trường có tin đồn ông Thắng gom cổ phiếu của FLC râm ran từ trước đó.
Tuy nhiên, với văn bản được ký chiều ngày 1/4/2022 bởi chính ông Thắng gửi các cơ quan chức năng, có thể, trường hợp của ông Thắng sẽ bị loại bỏ.
Trường hợp tiếp theo có thể là một nhà đầu tư cá nhân trên thị trường có nhiều thông tin hoặc có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo chủ chốt của FLC. Chính họ tin tưởng rằng FLC sẽ có sự thay đổi và thị giá sẽ tăng trưởng trong thời gian tới nên tung lượng tiền mặt lớn để mua cổ phiếu công ty này.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khả năng lớn nhất là khối tự doanh của các công ty chứng khoán.
Trên thực tế, nhiều CTCK Việt Nam được phép tiếp cận các doanh nghiệp để được báo trước về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, các hoạt động đầu tư trọng yếu, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty, kế hoạch thoái vốn... từ đó có thể sử dụng thông tin này để giao dịch mua bán thông qua khối tự doanh hoặc khách hàng VIP của mình.
Không chỉ được biết trước thông tin trọng yếu của doanh nghiệp niêm yết, khối tự doanh CTCK còn nhìn thấy được dòng lệnh trên bảng giao dịch chứng khoán, hiểu dòng tiền thị trường, cũng như được ưu tiên thực hiện lệnh của mình. Và với tiềm lực tài chính của mình, việc khối tự doanh của CTCK gom cổ phiếu của FLC có khả năng rất cao.
Cuối cùng, bên chi 1.000 tỷ đồng nói trên cũng rất có thể là một nhà đầu tư tổ chức, cá nhân có ý định thâu tóm FLC như ông Thắng lo ngại. Nếu xảy ra khả năng này bản thân HĐQT của FLC và các cơ quan chức năng sẽ khá bận rộn trong thời gian sắp tới.
Thế lực tung hơn 1.000 tỷ đồng gom cổ phiếu FLC nhằm mục đích gì?
Trên thực tế, Tập đoàn FLC có khối tài sản lớn và tiềm năng phát triển vẫn còn rất tốt. Cá nhân cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết làm sai đã bị bắt và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bản thân FLC vẫn hấp dẫn trong mắt giới đầu tư bởi tài sản và tiềm năng phát triển.
Theo đó, về bất động sản trong năm 2022, FLC muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án mới trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và đô thị phức hợp tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…
Ở phía Bắc, có gần 30 dự án đã được chấp thuận và đang nghiên cứu tại: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Quảng Yên, Hoành Bồ và Tiên Yên.
Tại Hà Nội, FLC sở hữu nhiều khu đô thị, phức hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại như: FLC Landmark Tower, FLC Complex Phạm Hùng, FLC Garden City, FLC Star Tower, FLC Green Apartment, Bamboo Airways Tower…
Tại khu vực miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định… là khu vực tập trung nguồn lực đầu tư của FLC với các dự án mới thuộc Quần thể FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Nghệ An, FLC Quảng Bình…
Ở Tây Nguyên, ngoài dự án Quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai quy mô khoảng 500 ha, FLC tiếp tục kế hoạch với loạt dự án đô thị, tổ hợp thương mại - dịch vụ tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông…
Tại miền Nam, mới đây nhất tại Củ Chi (TP.HCM), FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án là dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456 ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910 ha).
Vào đầu tháng 2, FLC cũng đề xuất chi tiết kế hoạch đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Dự án có quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.
Riêng khu vực Tây Nam Bộ, FLC chuẩn bị khởi công khu đô thị phức hợp FLC Mega City Bạc Liêu tổng quy mô các giai đoạn trên 400 ha vào tháng 4 năm nay. Tại Hậu Giang, UBND tỉnh này cũng đã thống nhất cho FLC nghiên cứu, tiếp cận đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị mới 927C với quy mô gần 490 ha...
Không chỉ có thế, FLC còn sở hữu hãng Hàng không Bamboo Airway đang hoạt động khá tốt trên thị trường.
Theo một cuộc định giá hồi quý III/2021, hãng tin Bloomberg cho hay Bamboo Airways đang kỳ vọng mức vốn hóa thị trường khoảng 2,7 tỷ USD khoảng hơn 62.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực và khối tài sản khổng lồ đó, trong tình hình rối ren khi người sáng lập kiêm chủ tịch bị bắt, FLC là “miếng mồi thơm” cho những nhà đầu tư có tham vọng.
Tương lai của FLC như thế nào? Liệu có chủ mới xuất hiện sau một cuộc thâu tóm với kịch bản định sẵn, bài bản và quy mô? Liệu FLC sẽ đổi vận và các cổ đông tin tưởng vào công ty sẽ được giải cứu? Câu trả lời vẫn đang còn ở thì tương lai.
MINH TRÍ