“Nhà kỹ trị” Lê Hải Trà
Vào hồi tháng 8/2017 ông Lê Hải Trà được bổ nhiệm giữ cương vị phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), thay cho ông Trần Văn Dũng rời ghế Chủ tịch HoSE để chuyển sang cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tiếp đó, tháng 2/2021, ông nhận quyết định bổ nhiệm làm Tổng giám đốc HoSE trong lúc thị trường đang có nhiều biến động và các nhà đầu tư liên tục phản đối vì hiện tượng “nghẽn mạng”, “đơ lệnh” nơi ông Trà đang điều hành.
Quay lại với ông Trà, ông là người có nhiều kinh nghiệm trên TTCK, đến độ, hồi năm 2017 khi ông được giao phụ trách HoSE có một tờ tạp chí chuyên về tài chính đã mệnh danh ông là “nhà kỹ trị”.
Sinh năm 1974, ông Trà có bằng Thạc sỹ Quản lý Công với chuyên ngành kép Lãnh đạo và Phân tích thị trường tài chính từ đại học Harvard Kennedy. Ông cũng từng nhận được học bổng Hubert H. Humphrey của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị Chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston vào năm 2003.
Xuất thân từ nhân viên của một công ty kiểm toán nước ngoài, sau đó, ông về công tác tại Vụ Phát triển Thị trường, UBCKNN vào năm 1997. Năm 2000, ông tham gia tổ công tác biệt phái và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình chuẩn bị hoạt động của HoSE, đơn vị giao dịch đầu tiên của TTCK.
Năm 2006, ông Trà giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm GDCK TP.HCM, sau đó một năm là Ủy viên thường trực HĐQT HoSE. Tháng 12/2011, ông giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Thường trực HoSE và gần 5 năm sau giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE.
Theo giới chuyên môn, khi mới nhận chức vụ phụ trách điều hành Hội đồng quản trị HoSE ông nổi lên như một “nhà kỹ trị”.
Theo đó, tháng 6/2017 ông phản đối MSCI khi không đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng tiềm năng lên thị trường mới nổi. Ông cho rằng quyết định đó mang tính phiến diện, áp đặt.
Hay như, năm 2010 khi sự cố để lộ thông tin giao dịch của các tổ chức ông đã thẳng thắn chỉ ra nơi có thể hé lộ thông tin là: sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và UBCK. Mặc dù, phát biểu đó có thể gây tổn hại cho chính ông.
Những phát ngôn gây sốc trên TTCK
Năm 2020, TTCK Việt Nam tăng trưởng đột biến, lượng tiền đổ vào thị trường trung bình hơn 1 tỷ USD/phiên giao dịch, số lượng tài khoản mở mới cũng tăng đột biến.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng kiến tình trạng nghẽn mạng, đơ lệnh kéo dài, mà giới đầu tư dùng ngôn ngữ là “rút phích”. Lẽ ra với vai trò người đứng đầu ông Trà phải có giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, ông im lặng không hề có giải pháp gì, không lên tiếng với truyền thông mà lặng lẽ phát ngôn gây sốc trên trang cá nhân.
TTCK chứng kiến vào ngày 24/02/2020, ảnh chụp từ facebook của ông Trà cho thấy hiện thị dòng trạng thái: “Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?”
Hầu hết các ý kiến bình luận đều cho rằng, phát ngôn trên mạng xã hội, dùng từ ngữ như vậy không phù hợp với vị trí một lãnh đạo Sở Giao dịch HoSE.
Tất cả các bình luận về tút trên đều chê bai và cho rằng ông Trà không xứng đáng là lãnh đạo HoSE, có trường hợp yêu cầu ông từ chức.
Trước đó, vào năm 2008, tại phiên giao dịch ngày 22/1/2018 HoSE cũng gặp sự cố ngưng giao dịch và ông Trà vào lúc đó cũng đã có những lời giải thích với truyền thông gây tranh cãi.
“Tôi muốn khẳng, định hệ thống giao dịch hiện tại là một hệ thống tốt, có độ ổn định cao đã từng được sử dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán Chicago và Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan trước khi về Việt Nam. Hệ thống được bảo trì đầy đủ và nhiều lần nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường.”, ông Trà nói với báo chí vào thời điểm 2018.
Không chỉ có thế, sau khi nhậm chức CEO của HoSE không bao lâu, ông Trà tiếp tục gây sốc khi phát biểu: "Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".
Theo ông Trà, quyết định này ngoài việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân còn giúp HOSE khắc phục được tình trạng nghẽn lệnh xảy ra khá thường xuyên trong 3 tháng qua.
Rất nhiều ý kiến phản đối từ nhà đầu tư, đến các chuyên gia trên TTCK phản đối cách điều hành của ông Trà. Thậm chí, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) còn yêu cầu cách chức ông Trà.
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính vào tháng 3/2021, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, thị trường chứng khoán đang tổn thương suốt 3 tháng qua vì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra hàng ngày. Việc không biết chính xác quan hệ cung cầu, không thể mua hoặc bán khiến quyền lợi nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn.
Đại diện hiệp hội nhận định, điều này bắt nguồn từ năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) yếu kém.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục", đại diện VAFI nói, đồng thời cam kết sẵn sàng giúp Bộ Tài chính tìm kiếm nhân sự nếu cần thiết.
Đến buông lỏng quản lý bị UBKTTW kỷ luật
Quay trở lại thông tin được đề cập trên đây, tại kỳ họp thứ 13 từ ngày 28 đến 31/3/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhiệm kỳ 2015-2020 và lãnh đạo hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HoSE).
Trong đó hầu hết các lãnh đạo cao nhất của TTCK dù đã về hưu cũng như đương chức đều nhận án kỷ luật. Đó là các ông:
Thứ nhất, ông Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Thứ hai, ông Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Thứ ba, ông Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội;
Thứ tư, ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị;
Thứ năm, ông Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Trong đó, nổi bật lên 2 gương mặt có ảnh hưởng trên TTCK và còn tại vị là ông Lê Hải Trà và ông Trần Văn Dũng.
Theo UBKTTW, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường , thu lợi bất chính.
Nhiều nhà đầu tư, giới chuyên gia phân tích những sai phạm của các vị lãnh đạo trên đây là có hệ thống và từ nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, với ông Lê Hải Trà, người ta liên tưởng nhiều hơn đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, người vừa bị bắt với tội danh: "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Còn nhớ, hồi 2017, khi ông Trà vừa được bổ nhiệm phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, ông Quyết hồ hởi: “Những gương mặt được đào tạo bài bản, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm như ông Trà luôn là vốn quý cho thị trường dù trong giai đoạn phát triển nào.”
MINH TRÍ