Cụ thể, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG (LDG), thông báo đã bán xong 3 triệu cổ phiếu đăng ký trước đó. Theo đó, giao dịch được thực hiện từ ngày 29/11 đến ngày 13/12 theo hình thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà ông Hưng nắm giữ là 27 triệu đơn vị, tương đương 11,29% vốn. Tạm tính theo thị giá LDG vào phiên 13/12, ước tính vị Chủ tịch thu về hơn 44 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu.
Không chỉ có ông Hưng, một loạt lãnh đạo khác của LDG cũng lần lượt đăng ký bán cổ phiếu để thoái vốn. Theo đó, ông Ngô Văn Minh, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 123.100 cổ phiếu từ 23/11 đến 22/12; ông Nguyễn Quốc Vy Liêm, Phó tổng giám đốc cũng muốn bán thêm 36.000 cổ phiếu từ 17/11 đến 16/12, trước khi đã bán 24.000 đơn vị tại ngày 29/10…
Trong một diễn biến có liên quan, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào hồi tháng 6, ông Nguyễn Khanh Hưng, Chủ tịch LDG chia sẻ sẽ có kế hoạch đưa thị giá cổ phiếu LDG quay trở lại mệnh giá vào khoảng tháng 10. Và đúng như kỳ vọng, LDG cũng bật tăng mạnh mẽ kể từ cuối tháng 10 sau nhiều năm giao dịch dưới mệnh giá.
Trong lịch sử giao dịch trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LDG cũng dính vào nhiều vụ lùm xùm.
Cụ thể, vào tháng 12/2020, Chứng khoán SSI đã thông báo cắt margin cho các khách hàng giao dịch cổ phiếu LDG.
Lý do được SSI đưa ra là rủi ro pháp lý của Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Đồng Nai) vừa bị Uỷ Ban nhân Dân tỉnh Đồng Nai xử phạt vì xây dựng gần 500 căn nhà trái phép.
Sau quá trình điều tra, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 4734/QĐ/XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư LDG, số tiền 540 triệu đồng; đồng thời, buộc doanh nghiệp nộp số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 5,7 tỷ đồng.
Theo quyết định trên, LDG, do ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm đại diện pháp luật, đã có các hành vi vi phạm hành chính như: chiếm đất để sử dụng trên thực địa, mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật tại hơn 400 thửa đất.
Được biết, thời điểm vi phạm của LDG kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 8/2020, với tổng diện tích hơn 181.000 m2 ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Trong đó, dự án chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, với diện tích hơn 127.000 m2 để xây dựng công trình trái phép.
Hiện tại dự án vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Điều này mang lại khá nhiều rủi ro cho LDG khi sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý, cũng như trách nhiệm bàn giao nhà, đất của dự án đã bán cho khách hàng.
Cũng trong năm 2020, bản thân ông Nguyễn Khánh Hưng cũng liên quan đến những lùm xùm về cổ phiếu của LDG. Theo đó, hồi tháng 7/2020, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) thông báo về việc bán giải chấp cổ phiếu của ông Hưng.
Theo thông báo của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) số lượng cổ phiếu mà công ty này giải chấp là 2,5 triệu cổ phiếu, thời gian bán giải chấp từ ngày 31/3.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặt dù gần đây thị giá của cổ phiếu LDG tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đặc thù đây là cổ phiếu đầu cơ nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi đã tăng trưởng quá “nóng”.
Về kết quả kinh doanh của LDG, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 79% về mức 251 tỷ đồng.
Theo đó, dòng tiền kinh doanh âm đến 479 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu là 1.231 tỷ đồng. Cuối quý III, công ty có 3.390 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 1.227 tỷ đồng phải thu dài hạn, chiếm 69% quy mô tài sản. Trong đó, hơn 2.298 tỷ đồng là các khoản đặt cọc, ký quỹ ký cược ngắn, dài hạn.
Nợ vay tài chính cuối kỳ của LDG tăng đến 65% lên 996 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh thêm 389 tỷ đồng nợ dài hạn. Khoản vay dài hạn phát sinh thêm là gần 311 tỷ đồng vay từ Sacombank. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 32%.
Mặt khác, nợ phải trả của Công ty tăng đến 48% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3,602 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu hơn 467 tỷ đồng.
Nợ vay của LDG tăng 69%, lên gần 997 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong 9 tháng đầu năm, LDG đã cho phát hành 2.000 trái phiếu với lãi suất 12%/năm và kỳ hạn thanh toán là 3 tháng/lần.
AN NHIÊN