Dường như trong số những ngành có khả năng được trở lại hoạt động từ đầu tháng 10, không có tên du lịch – ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do các hoạt động giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Cho đến nay, một số địa phương chỉ mới bắt đầu mở cửa dần cho du khách nội tỉnh, trừ việc thí điểm mở cửa ở đảo Phú Quốc dự kiến từ 1-11 và một số khu du lịch riêng lẻ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Khánh Hòa.
Tại buổi làm việc của Tổ công tác đặc biệt với 19 tỉnh phía Nam do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì chiều 28-9, đại diện của hầu hết các tỉnh thành đã thống nhất đề xuất yêu cầu người ở TPHCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai “không tự ra khỏi địa bàn sau ngày 30-9”. Đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp này cũng cho rằng việc đi lại của người dân bốn tỉnh thành này về các địa phương khác “vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định”.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chưa mở lại đường bay để chở hành khách từ TPHCM và các tỉnh lân cận cho đến khi nào được ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Hà Nội đồng ý. Thành phố Hải Phòng cũng chưa đồng ý với dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải về việc mở lại các chuyến bay nội địa đến và đi từ thành phố này.
Từ thông tin trên, có thể thấy việc các điểm du lịch ở miền Trung, miền Tây Nam bộ… mở cửa để đón du khách nội địa gần như vẫn là điều không thể, ít nhất là với bốn tỉnh thành đang được xếp là “vùng đỏ” này, trong khi đây lại là khu vực cung ứng nguồn khách du lịch lớn nhất nước.
Sự lo ngại của các địa phương là có thể hiểu được, khi mà phần lớn dân số từ 18 tuổi trở lên của rất nhiều tỉnh, thành vẫn chưa được tiêm mũi vaccine phòng dịch nào. Tuy nhiên, nếu chờ đến khi vaccine phủ hết 70% dân số, hoặc chờ khu vực TPHCM hết dịch mở cửa trở lại đón du khách thì không biết còn phải chờ đến bao giờ, và không biết bao nhiêu doanh nghiệp ngành du lịch còn sống để chờ được đến ngày mở cửa.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn có thể có cách để dần mở cửa trở lại hoạt động du lịch để đón du khách từ TPHCM, nhất là đối với các địa phương có những điểm du lịch tương đối biệt lập với các khu dân cư địa phương.
Giải pháp là khoanh vùng để tách biệt khu dân cư địa phương với các điểm đón du khách. Chẳng hạn như với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể phong tỏa cứng toàn bộ tuyến đường ven biển của thành phố Vũng Tàu, từ bãi Thùy Vân đến bãi Dâu trong bán kính 300-500 mét chẳng hạn, để đón du khách theo nguyên tắc một cung đường hai điểm đến. Mọi hoạt động phục vụ du khách trong vùng phong tỏa này được thực hiện theo nguyên tắc 3 tại chỗ. Hay với tỉnh Bình Thuận, có thể cách ly toàn bộ khu vực Mũi Né và dải resort ven biển để mở lại hoạt động du lịch, và tương tự với các địa phương khác.
Việc khoanh vùng để đón du khách theo nguyên tắc một cung đường hai điểm đến và phục vụ theo nguyên tắc 3 tại chỗ cũng tương tự như nguyên tắc đã áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Điểm khác biệt duy nhất là hình thức này mở rộng là cho một vùng địa lý. Đương nhiên, khi áp dụng giải pháp này để mở cửa du lịch thì các địa phương cần phải thay đổi chiến lược tiêm chủng, trong đó phải nhanh chóng phủ vaccine cho toàn bộ người dân, toàn bộ nhân viên ngành dịch vụ du lịch sinh sống và làm việc trong khu vực được khoanh vùng để đón du khách; và tất nhiên là chỉ những du khách đã tiêm đủ hai liều vaccine và các F0 đã khỏi bệnh.
Sớm mở cửa từng phần đối với hoạt động du lịch không chỉ giúp cứu doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ vận tải… mà đồng thời còn cứu hàng trăm ngàn hộ nông dân vốn sống bằng nghề cung ứng thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Chắc chắn rằng, cũng như hàng ngàn doanh nghiệp du lịch, những người này không thể chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, thay vì chờ đến khi kiểm soát được dịch mới mở cửa, lãnh đạo các cơ quan chính phủ và các địa phương hãy lắng nghe và cùng doanh nghiệp tìm ra giải pháp khả thi để ngành du lịch cũng được sớm sống chung với Covid-19.