Những thương vụ M&A kinh điển của thị trường Việt Nam: Sự thật đằng sau thương vụ M&A lớn nhất trong ngành y khoa – Kỳ 5

Admin

Năm 1997, phòng khám đa khoa Lý Thường Kiệt 1A (Tân Bình, TP. HCM) đi vào hoạt động khởi đầu cho dự án đầu tư bệnh viện tư nhân tại Việt Nam bởi nhà sáng lập - bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng. Đây cũng là mô hình y khoa tư nhân sớm nhất vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đến năm 2008, với biến động lãi suất ngân hàng, Hoàn Mỹ mất cân đối về tài chính và buộc phải M&A. VinaCapital cùng Deutsche Bank xuất hiện. Câu chuyện M&A với VinaCapital bắt đầu từ đó.

Vòng quay M&A lần thứ nhất tại Hoàn Mỹ

Theo thỏa thuận mỗi đối tác rót 10 triệu USD tương đương sở hữu 22% cổ phần, kèm với thỏa thuận: “Khi VinaCapital thoái vốn thì bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cũng bán cổ phần và ngược lại.”

Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực y tế. Nó “giải thoát” cho bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng khỏi gánh nặng nợ nần và khởi đầu cho vòng quay M&A đầu tiên tại Hoàn Mỹ.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập Hoàn Mỹ, tập đoàn y khoa tư nhân lớn nhất Việt Nam.

“Lúc đó vì mong muốn đem dịch vụ y tế đến gần hơn cho người dân nên tôi thúc đẩy xây dựng bệnh viện càng nhanh càng tốt. Để làm được điều đó, tôi vay ngân hàng Sacombank. Tôi không biết cân đối tài chính và cũng không hề có giám đốc tài chính. Quyết định đầu tư lúc đó dựa trên sự lãng mạn chứ không phải một cân nhắc kỹ càng về kinh doanh”, bác sỹ Tùng chia sẻ.

Chính vì những cản ngại như thế nên đến năm 2009, để giải quyết khó khăn, nhà sáng lập Hoàn Mỹ buộc phải bán đứa con của mình cho hai đối tác đầu tư tài chính. Với VinaCapital và Deutsche Bank việc đầu tư vào Hoàn Mỹ chỉ thuần túy là đầu tư tài chính.

Tôi không biết cân đối tài chính và cũng không hề có giám đốc tài chính. Quyết định đầu tư lúc đó dựa trên sự lãng mạn chứ không phải một cân nhắc kỹ càng về kinh doanh

Cuộc hôn phối lần thứ nhất giải quyết được vấn đề tài chính nhưng tạo cho bác sỹ Tùng một áp lực rất lớn.

Thông thường, các nhà đầu tư tài chính có rất nhiều phương thức khác nhau để đầu tư vào một doanh nghiệp. Có thể là đầu tư trực tiếp (Private Equity – PE) lên đến 100% hoặc là 50% trái phiếu (Contract Bond – CB) và cổ phần 50%. Với trường hợp của Hoàn Mỹ, họ đã chọn phương án PE 50% và CB 50%.

Cơ cấu đầu tư ấy đưa đến viễn cảnh là VinaCapital sẽ có chân trong hội đồng quản trị của Hoàn Mỹ, còn Deutsche Bank thì không. Định hướng của VinaCapital sau 3 năm sẽ có hai phương án xảy ra: Thứ nhất, Hoàn Mỹ sẽ IPO hoặc họ sẽ ra khỏi Hoàn Mỹ, và họ đưa ra yêu cầu về lợi nhuận rất rõ: năm đầu tiên 60 tỷ đồng, năm thứ hai 90 tỷ đồng, và năm thứ ba là 150 tỷ đồng.

VinaCapital yêu cầu Hoàn Mỹ bằng mọi giá phải đạt được điều đó, nếu không đạt được, các nhà đầu tư sẽ thoái vốn và Hoàn Mỹ phải hoàn vốn đầu tư lại cho họ. Đồng thời, Hoàn Mỹ phải chịu phạt lãi suất đối với trường hợp của Deutsche Bank và được chuyển đổi thành cổ phiếu đối với trường hợp của VinaCapital, hoặc cả hai nhà đầu tư đều có quyền nhận thêm cổ phiếu.

Nói cách khác, nếu mức lợi nhuận của Hoàn Mỹ được định là 60 tỷ đồng cho một năm, nhưng nếu chỉ đạt được 40 tỷ đồng thì 20 tỷ đồng “hụt” sẽ được xem là trách nhiệm điều hành của ông Nguyễn Hữu Tùng và nó sẽ được chuyển đổi thành cổ phần mà họ nắm giữ trong công ty.

“Nói một cách dễ hiểu, mặc dù ban đầu có thể hai nhà đầu tư khác nhau về cách thức đầu tư, nhưng khi vào Hoàn Mỹ, họ trở thành “cặp đôi hoàn hảo” theo nguyên tắc bình thông nhau. Nếu VinaCapital thu được lợi nhuận thì Deutsche Bank cũng vậy. Khi tôi thông tin cho một cổ đông, thì chắc chắn cổ đông kia sẽ biết. Và điều này, nếu không có kinh nghiệm sẽ là một rủi ro trong bài toán quản trị điều hành đối với bên bán trong thương vụ M&A,” bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng giải thích.

Với áp lực như vậy, bác sỹ Tùng đi đến quyết định tìm một đối tác khác cho Hoàn Mỹ để chấm dứt “hôn nhân” với VinaCapital và Deutsche Bank .

Hai năm sau vào 2011, VinaCapital và Deutsche Bank định giá Hoàn Mỹ lên đến 120 triệu USD (cao hơn năm 2008 là 40 triệu USD) và “chào” Hoàn Mỹ trên thị trường M&A để chọn đối tác. Bắt đầu cho vòng quay thứ 2 tại Hoàn Mỹ.

Fortis xuất hiện để tạo ra vòng quay M&A thứ 2 nhưng ông chủ hiện tại lại là Richard Chandler Corporation

Năm 2011, Tập đoàn Fortis Healthcare chi 65 triệu USD để trở thành cổ đông chi phối Hoàn Mỹ trong một thương vụ có giá trị lên đến 100 triệu USD. Cuộc hôn phối lần này cứ ngỡ là hoàn hảo.

Thứ nhất, VinaCapital và Deutsche Bank thu về khoản lời về đầu tư tài chính chỉ 2 năm. Hơn nữa, Hoàn Mỹ được tiếp quản bởi một tập đoàn y khoa có chuyên môn về có hệ thống rộng khắp châu Á. Với tiềm lực kinh tế mạnh và kinh nghiệm đầu tư của một tập đoàn y tế lớn nhất Ấn Độ, Fortis được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho thị trường chăm sóc sức khoẻ Việt Nam.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, một trong những nguyên nhân khiến bác sỹ Tùng buộc phải M&A với đối tác ngoại.

Về bản thân bác sỹ Tùng, ông nhận định: “Sau khi ký hợp đồng với Fortis, tôi có cảm giác như mình vừa gả đứa con của mình vào một nhà khác. Tôi không còn được chăm sóc, nuôi nấng nó nữa, mà chỉ có thể làm một nhà tư vấn, giống như một “thái thượng hoàng” mà thôi”.

Chính vì thế, năm 2011 là năm cuối cùng bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng rời hẳn khỏi Hoàn Mỹ. Và ông ấp ủ cho dự định mới của mình, dự án Bệnh viện Tâm Trí và trường đại học y khoa tư nhân.

Tại thời điểm này, doanh thu hệ thống Hoàn Mỹ đạt 900 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Hoàn Mỹ dao động khoảng 25-30% những năm trước đó. Theo đó, Hoàn Mỹ có hệ thống 10 bệnh viện, trải dài từ Cà Mau đến Huế.

Tuy nhiên, bản thân Fortis cũng chỉ ở Hoàn Mỹ được 2 năm.

Bình luận về sự kiện này một chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm (không muốn nêu tên) phân tích: “Thực tế, theo hiểu biết của tôi, Tập đoàn Fortis đã không đạt được kì vọng về doanh thu mà họ đặt ra tại Việt Nam. Ban đầu, khi vào Việt Nam họ xác định là đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, khi thấy những dự định của mình không diễn ra trên thực tế, họ đã quyết định ngừng lại”.

Thương vụ được định giá là 120 triệu USD cho thấy sức hấp dẫn của Hoàn Mỹ. Và tập đoàn đầu tư lần này cũng là một cái tên quen thuộc tại thị trường Việt Nam: Richard Chandler Corp (RCC).

Tại Việt Nam, RCC được biết đến qua 2 thương vụ đầu tư vào FPT và Masan Group thông qua công ty con Orchid Fund (nay đổi tên thành Orchid Capital Investments).

Tháng 10/2010, Orchid Fund mua 20 triệu cổ phiếu Masan Group với giá 49.000 đồng/cp. Giả sử không mua bán gì thêm thì hiện khoảng đầu tư này có trị giá trên 100 triệu USD với mức lãi hơn gấp đôi so với giá đầu tư (với một cổ phiếu lâu năm như Masan cũng ít khi xuống dưới mức 100.000 đồng/cp). Sau đó, Orchid Fund tiến hành gom 10,7% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của FPT. Số cổ phần này có trị giá khoảng 64 triệu USD theo thị giá hiện tại.

Ông chủ của RCC, tỷ phú Richard F. Chandler (54 tuổi) là một tỷ phú gốc New Zealand nhưng cư trú tại Singapore. Theo Forbes, hiện Richard Chandler là người New Zealand giàu thứ 2 và là người giàu thứ 5 tại quốc đảo Singapore.

Cuộc “Tái hôn” với người cũ VinaCapital

Sau một thời gian gầy dựng hệ thống Tâm Trí. Năm 2018, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng “tái hôn” với VinaCapital trong một thương vụ có giá trị 25 triệu USD.

Hệ thống Bệnh viện Tâm Trí được VinaCapital đầu tư 25 triệu USD và được định giá 100 triệu USD chỉ sau 2 năm.

Chúng tôi tin tưởng bác sĩ Tùng về tầm nhìn, kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực chăm sóc y tế cùng sự cam kết của bác sĩ trong lần hợp tác trước đây. Cá nhân tôi đã rất mong đợi để được tiếp tục làm việc với bác sĩ Tùng.

Ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho biết: “Con số thống kê cho thấy hàng năm người Việt chi trên 2 tỷ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài và đây chính là cơ hội cực kỳ lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong nước. Với hệ thống bệnh viện có trang thiết bị hiện đại và chất lượng dịch vụ y tế đảm bảo uy tín, chúng tôi tin Y Khoa Tâm Trí có đủ khả năng để nắm bắt cơ hội này. Chúng tôi tin tưởng bác sĩ Tùng về tầm nhìn, kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực chăm sóc y tế cùng sự cam kết của bác sĩ trong lần hợp tác trước đây. Cá nhân tôi đã rất mong đợi để được tiếp tục làm việc với bác sĩ Tùng.”

“Tôi cũng mong muốn việc hợp tác lần này với VinaCapital sẽ giúp phát triển Y khoa Tâm Trí thành hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.”, bác sỹ Tùng tỏ ra khá hài lòng.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được tháng 1 năm 2020, sau hai năm đầu tư, VinaCapital định giá khoản đầu tư mình tăng gấp 4 lần lên 100 triệu USD và họ đã thoái vốn thành công tại Tâm Trí.

Tất nhiên, việc VinaCapital ra đi là có thể hiểu được bởi bản chất họ là nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, liệu lần “gả con” này có khiến bác sỹ Tùng “bùi ngùi” hay không lại là một câu hỏi chưa có lời đáp.

 

Lê Trí