Trần Dương

Những thương vụ M&A kinh điển của thị trường Việt Nam: Phở 24 bán cho Highland, bầu trời không chỉ có màu xanh – Kỳ 3

Admin

10 năm khởi sự để tạo dựng thương hiệu Phở 24 của ông Lý Quí Trung đã chính thức kết thúc khi ông quyết định bán thương hiệu này với giá 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng) vào năm 2011. Nhiều người Việt yêu mến thương hiệu Việt tỏ ra tiếc nuối với quyết định này của ông Trung. Đây là một thương vụ thành công hay thất bại? Cảm giác của bên bán và bên mua như thế nào?

“Bầu trời không chỉ có màu xanh” và khát vọng công ty 100 triệu USD

Năm 2011, ông Trung chuyển nhượng thương hiệu Phở 24 cho Việt Thái Quốc tế, chủ thương hiệu café Highland với giá 20 triệu USD. Sau đó, Việt Thái quốc tế lại cơ cấu bán 50% cổ phần của mình (sau khi đã sở hữu Phở 24) cho Jolibee với giá 25 triệu USD. Xét trên bình diện này, thực chất ông David Thái đứng đại diện để mua Phở 24 cho Jolibee.

Hình ảnh quen thuộc này chỉ còn trong hoài niệm khi ông chủ quyết định gả bán đứa con của mình.

Sau 2 năm bán đi đứa con tinh thần, ông Trung đã bùi ngùi chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ ra sao khi không còn điều hành Phở 24 nữa. Khác biệt đầu tiên là số lượng email đột ngột giảm từ 50 xuống dưới 10 cái vào mỗi sáng. Ngày đầu tiên tôi cứ tưởng hộp thư của mình bị trục trặc vì nhận quá ít email như vậy thật bất thường. Sau đó là nhẹ nhõm. Lịch họp và lịch hẹn ghi trên điện thoại gần như trắng toát. Chỉ có một vài tin nhắn nhẹ nhàng còn sót lại.”, ông Trung trải lòng.

Bản thân ông đã từng khát vọng đưa công ty Nam An chủ thương hiệu Phở 24 ra quốc tế bởi vì ông cho rằng phở là món “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam. Và ông muốn công ty sẽ phát triển và đạt giá trị lên đến 100 triệu USD.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ xây dựng công ty 100 triệu đô la. Nhưng không nghĩ là trăm triệu đô la để bán.”, ông Trung trả lời với báo giới.

Nói về lý do buộc phải bán Phở 24, ông Trung thừa nhận mình đã gặp những khó khăn quá lớn. Trong cuốn hồi ký “Bầu trời không chỉ có màu xanh” ông cho biết, có những khó khăn Phở 24 đối mặt mà mình không lường trước được.

Phở 24 là một thương hiệu được người Việt yêu mến cho đến khi buộc phải bán lại cho liên danh Việt Thái quốc tế  - Jolibee.

Ngay tại thời điểm bán đi Phở 24, ông khẳng định nó như một “chiến binh già” cần phải được làm mới. “Có quá nhiều việc quan trọng tôi cần phải làm cho hệ thống Phở 24 sau gần 10 năm hoạt động, tất cả đều cần nhiều vốn đầu tư mới. Chẳng hạn như đại tu hoặc tái cơ cấu mô hình kinh doanh mà thông thường các chuỗi nhà hàng trên thế giới trễ nhất cứ mỗi 5-7 năm phải làm. Thứ nữa là phải bỏ khoản chi phí lớn để làm mới hình ảnh thương hiệu, đặc biệt đánh mạnh vào quảng cáo để bảo vệ thương hiệu và thúc đẩy khách hàng tiềm năng thực sự bước vào tiệm phở chứ không phải chỉ nghe hay biết về nó. Ngoài ra, còn nhiều việc cần làm khác như xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại để làm phở gói xuất khẩu, mở tiệm phở ở Mỹ và một số thị trường lớn mà tôi muốn đích thân mình mở trước khi nhượng quyền. Tất cả những việc này đều cần rất nhiều tiền mà tôi không thể tiếp tục huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu. ”, ông Trung thừa nhận.

Và khát vọng công ty có giá trị 100 triệu USD phải dừng lại. Ông buộc phải bán cho đối tác để đảm bảo an toàn về mặt tài chính và giữ được thương hiệu Phở 24.

Jolibee và Việt Thái thâu tóm Phở 24 với mục đích gì?

“Tùy vào động cơ và chiến lược của bên mua mà giá trị tích hợp (synergy value) lớn hay nhỏ. Nếu chủ sở hữu mới khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của họ ở Philippines và dùng nó khai thác thị trường thế giới, khi đó dòng tiền tương lai sẽ rất lớn và con số 20 triệu USD có thể được coi là không hề đắt.”, ông Nguyễn Trung Thẳng - Chủ tịch Masso Consulting nhận định.

 Ông Tony Tan Caktion (trái) và ông David Thái, những ông chủ mới của Phở 24.

Vì là đồng sở hữu Phở 24 nên theo các chuyên gia, giá trị tích hợp đầu tiên mà Highlands Coffee được hưởng sau khi kiểm soát Phở 24 có lẽ là đưa được thương hiệu phở khá nổi tiếng này vào danh mục menu của mình. Chưa rõ doanh số toàn bộ chuỗi Phở 24 sẽ ra sao dưới tay chủ sở hữu mới, nhưng riêng số tô phở tiêu thụ hàng ngày chắc chắn tăng thêm đáng kể nhờ số lượng cửa hàng tăng thêm của Highlands.

Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn chiến lược IME Việt Nam dự đoán, có thể trước mắt Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI), chủ sở hữu thương hiệu Highlands, sẽ đưa vào menu thêm một số món ăn khác ngoài phở, chẳng hạn cơm tấm, để đa dạng hóa menu các món ăn của mình bên cạnh thế mạnh sẵn có về đồ uống (cà phê). Trên thực tế, Highlands đã chiếm được những vị trí thuộc loại đắc địa nhất ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM.

Một thương vụ mua bán doanh nghiệp luôn có nhiều động cơ khác nhau; có khi đơn thuần từ mục đích đầu tư tài chính, có khi hướng đến việc mở rộng hay đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Theo ông Thẳng, Masso Consulting xét về động cơ tài chính, việc mua bán đơn thuần là nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Do vậy, chiến lược mua luôn gắn kết với việc sẽ bán lại cho một đối tác mục tiêu nào đó với mức giá cao hơn.

Theo cách nhìn của ông Hòa, trong trường hợp này dường như Highlands Coffee thực hiện đầu tư tài chính, dù bề ngoài họ thực hiện đầu tư có kiểm soát bên bị mua lại. Ở chiều ngược lại, Phở 24 cũng nhắm đến lợi ích tài chính khi bán lại thương hiệu họ đã cất công gầy dựng từ năm 2003.

Nếu suy luận này chính xác, thì việc Phở 24 và Highlands Coffee khác nhau về mô hình kinh doanh chuỗi không còn quan trọng đối với Highlands, bởi họ đã có kế hoạch bán lại cho đối tác nước ngoài. Tích hợp hai chuỗi quán cà phê và phở thông qua hai tên tuổi lớn vào trong một thương vụ M&A là bước đi khôn ngoan của VTI

Từ câu chuyện Phở 24, thương hiệu Việt muốn vươn ra biển lớn có quá nhiều việc phải làm

“Tất cả đều liên quan đến sơ suất của mình, những điều mình đã biết vẫn có thể sai. Kinh doanh F&B (ngành thức ăn và đồ uống) chỉ cần bất cẩn một cái là rất dễ thất bại”, ông Trung cho hay.

Theo đó, ông Trung nhận định trong kinh doanh, đặc biệt kinh doanh ở lĩnh vực F&B, cuối ngày cộng sổ mới biết lời hay lỗ. Không phải cứ thấy quán người khác đông là nôn nao “nhảy” vào làm. Quán đông nhưng chưa chắc đã lời. Lời hay lỗ chỉ ông chủ mới biết được.

Cũng theo ông Trung, muốn thành công thì cần nhiều vấn đề: hiểu nhu cầu khách hàng, tìm đúng vị trí, nghiên cứu thị trường kỹ. “thành công trong khởi nghiệp nằm ở mô hình kinh doanh là chính chứ không phải ở sản phẩm.”, ông Trung khẳng định.

Ông Lý Quí Trung đã rút ra được nhiều bài học để hoàn thiện quá trình quản lý công ty cho những lần khởi nghiệp tiếp theo từ câu chuyện của Phở 24.

Có một điểm mà ông Trung luôn tâm niệm: “Điều tôi muốn nói khi hệ thống kinh doanh càng lớn mạnh thì bộ phận quản trị phải tập trung sức lực nhiều hơn nữa cho những gì xảy ra ở “tiền tuyến” (cửa hàng) hơn là tại “hậu phương” (văn phòng).”

Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, giống như bất cứ chuỗi bán lẻ nào, một khi mở rộng dù dưới hình thức nào: công ty sở hữu, công ty vận hành (Company Own Company Operate - COCO), công ty sở hữu người bán vận hành (Company Own Dealer Operate - CODO), hoặc người bán sở hữu và người bán vận hành (Dealer Own Dealer Operate - DODO) thì khi gia tăng quy mô cũng đồng nghĩa với gia tăng thách thức trong quản trị chất lượng.

Đặc biệt là mô hình franchise (một dạng của DODO) mà Phở 24 đang triển khai thì thách thức trong kiểm soát càng lớn hơn. Hình thức này đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền (Franchisee) không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền (Franchiser) thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu.

Theo đánh giá của các nhà quản trị doanh nghiệp, trong khi đạt được một số thành công khi mở rộng thị trường ra nước ngoài, Phở 24 lại tỏ ra lúng túng về mặt chiến lược sản phẩm tại thị trường Việt Nam (như menu, khẩu vị, định vị phân khúc thị trường).

Và như ông Trung thừa nhận, với kinh doanh “bầu trời không chỉ có màu xanh”, nó còn nhiều gam màu: đen, xám xịt hay tím… mà ông chủ phải đối mặt. Câu chuyện thương hiệu Việt muốn quốc tế hóa còn rất nhiều vấn đề cần phải chuẩn bị, hoàn thiện.

Lê Trí