Trần Dương

Từ ngày 15/4, Cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo

Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines ở mức âm 6.379 tỉ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dương 3.271 tỉ đồng.

Cả năm 2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm từ 76.455 tỉ đồng xuống còn 62.967 tỉ đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) mới đây có quyết định đưa cổ phiếu của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 15-4.

Lý do bị đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2020 là âm 9.327 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đứng ở mức 33.150 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt 710.000 đơn vị. So với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 một vài tháng, giá HVN hiện tại không thay đổi nhiều.

Năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu 40.613 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lũy kế cả năm, hãng lỗ sau thuế 11.098 tỉ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines ở mức âm 6.379 tỉ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dương 3.271 tỉ đồng nhờ đẩy mạnh thu hồi công nợ và các khoản phải thu. Dòng tiền thuần hoạt động tài chính dương 1.797 tỉ đồng, đến từ các khoản vay tài chính.

Cả năm 2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm từ 76.455 tỉ đồng xuống còn 62.967 tỉ đồng. Lỗ do ảnh hưởng của Covid-19 khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm còn 1/3, ở mức 6.141 tỉ đồng.

Về hoạt động kinh doanh trong năm 2020, Vietnam Airlines đã được Chính phủ hỗ trợ các gói vay ưu đãi thông qua Nghị quyết 194. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, tổng giá trị 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng với lãi suất 0% năm, kể từ ngày 26-3-2021.

Y.Hạ