Theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2020, TTF đang có khoản nợ quá hạn tại DongABank (chi nhánh Bình Dương) hơn 123 tỷ đồng, được đảm bảo bằng 12.859 m2 gỗ nguyên liệu các loại và thành phẩm của nhóm Công ty.
Năm 2020, tại ĐHĐCĐ TTF đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ gần 58 triệu cổ phiếu với giá 2.128 đồng/cp, tỷ lệ hoán đổi là 0,2218:1 (2.218 đồng nợ đổi được 1 cổ phần phát hành thêm).
Nói về sự việc này ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch TTF cho biết: “Với khoản nợ này, TTF không còn cách nào khác để mà làm, Công ty không thể nào vay ngân hàng từ khi tôi tiếp nhận. Đơn giản vì khoản vay cũ tại DongABank là nợ xấu, chưa có điều kiện để trả dứt điểm. Giữa chúng ta với DongABank có ít nhất vài chục lần làm việc, thậm chí ngân hàng đã khởi kiện công ty".
Trước đó, TTF dự kiến phát hành cho đối tác thứ ba mua lại khoản nợ trên. Tuy nhiên, đến nay các bên không thống nhất được các vấn đề, do đó hiện Công ty vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để mua lại nợ tại DongABank.
Chính vì lý do như vậy, tại ĐHCĐ lần này, TTF quyết định xin ý kiến cổ đông cổ đông thông qua việc huỷ đợt phát hành riêng lẻ này và đưa ra phương án khác thay thế. Thay thế, TTF dự trình phương án phát hành cổ phần ưu đãi nhằm huy động vốn.
Tính đến thời điểm 30/12/2020, tổng tài sản của Công ty đạt 2.241 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu kỳ. Trong đó, hàng tồn kho chiếm đến 54%, tương ứng 1.209 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty 2.825 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn 2.793 tỷ đồng. TTF hiện đang lỗ lũy kế 3.044 tỷ đồng.
TTF cũng vừa công bố BCTC kiểm toán, trong đó kiểm toán có nêu ý kiến nhấn mạnh tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Khi bên cạnh khoản lỗ lũy kế 3.044 tỷ đồng; tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn cũng vượt quá tổng tài sản và tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt là 585 tỷ đồng và 1.268 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay ngân hàng và bên thứ 3 của TTF còn quá hạn thanh toán với số tiền 124 tỷ đồng.
MINH TRÍ