Nhà đầu tư chứng khoán không ngại tháng "cô hồn"
Với văn hóa Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, tháng 7 âm lịch còn được gọi là "tháng cô hồn" hay "tháng ngâu". Trong tháng này, một số người kinh doanh quan niệm các hoạt động kém may mắn, do đó thường hạn chế mở rộng, khai trương, đẩy mạnh giao dịch.
Chình vì lý do này, hoạt động giao dịch sản phẩm như bất động sản, căn hộ, ô tô... ảm đạm trong tháng cô hồn. Khi đó người bán phải tung ra các chương trình ưu đãi để kích cầu thị trường. Vậy trên thị trường chứng khoán thì sao?
Thống kê của người viết giai đoạn 11 năm (2010 - 2020), số năm giảm điểm vào tháng "cô hồn" trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang tạm chiếm ưu thế.
Trên sàn HOSE, VN-Index đã giảm điểm trong 6/11 năm với mức giảm cao nhất là 7,98% vào tháng 7 âm lịch năm 2012 (17/8 - 15/9 dương lịch). Ngược lại, thị trường tăng mạnh nhất vào tháng 7 âm lịch năm 2014 với tỷ lệ 6,18%.
ương tự tại sàn HNX, chỉ số cũng giảm điểm 6/11 năm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất là 15,57% trong tháng 7 âm lịch năm 2012. Tháng 7 năm ngoái, HNX-Index tăng 9,27%, mức tăng cao nhất trong số 5 năm tăng điểm của thị trường.
Đối lập với hai sàn, thị trường UPCoM ghi nhận số năm tăng điểm lớn hơn với 6/11 năm. Tỷ lệ tăng cao nhất ở năm 2014 với 6,2%. Trong khi đó, thị trường giảm mạnh nhất với tỷ lệ 2,84% vào năm 2011.
Mặc dù vậy, tổng quan cho thấy hiệu suất bình quân 11 năm của thị trường là dương. Điều này hàm ý thị trường chứng khoán vẫn giao dịch khởi sắc ngay trong tháng ngâu.
Đáng chú ý, nếu nhìn trong 5 năm trở lại đây, xu hướng tăng điểm của thị trường càng trở nên rõ nét hơn. Giai đoạn 2016 - 2020, thị trường tăng điểm trong 4/5 năm. Hiệu suất bình quân của VN-Index và HNX-Index lần lượt là 2,9% và 3,63%. Khởi sắc hơn, VN30-Index ghi nhận mức tăng bình quân 3,91% vào tháng 7 âm lịch trong 5 năm.
Nổi bật nhất trong năm 2020, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt tăng điểm mạnh. Trong tháng 7 âm lịch, VN-Index tăng từ 846,43 điểm lên 897,47 điểm, tương ứng tỷ lệ tăng 6,03%. Còn với HNX-Index, chỉ số tăng từ 117,02 điểm lên 127,87 điểm, tương ứng tỷ lệ 9,27%.
Dịch COVID-19 là rủi ro lớn thời điểm hiện tại
Tuy vậy, phải nói rằng những thống kê chỉ mang giá trị lịch sử dựa trên những sự kiện đã xảy ra. Diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 7 âm lịch phụ thuộc vào xu hướng chung của thị trường và bối cảnh của nền kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp.
Năm 2020, xu hướng tăng điểm của các chỉ số trong tháng "cô hồn" xuất hiện khi thị trường vừa trải qua nhịp điều chỉnh sâu vào cuối tháng 7 bởi làn sóng COVID-19 lần thứ hai xuất hiện tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Sang đến năm nay, tình hình dịch COVID-19 trở nên phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía nam. Số lượng ca nhiễm mỗi ngày tiệm cận ngưỡng 10.000 ca nhiễm.
Trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán đồng loạt đưa ra nhận định tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nửa cuối năm 2021 sẽ chậm lại so với nửa đầu năm. Mức độ tác động lớn hay nhỏ phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể kiểm soát dịch COVID-19 trong tháng 8 dương lịch hay không.
Trong báo cáo vừa được công bố, Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản phân tích. Với kịch bản cơ sở, làn sóng thứ tư dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong tháng 8, hoạt động sản xuất quay trở về mức bình thường trong quý IV. Kịch bản tiêu cực, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong quý IV/2021, hoạt động sản xuất sẽ khôi phục về mức bình thường trong cuối năm 2021.
Trong hai kịch bản, Chứng khoán BSC dự báo sự chênh lệnh lớn về mức tăng trưởng. Ví dụ với ngành ngân hàng, dự báo tăng trưởng năm 2021 đạt 35% với kịch bản cơ sở, giảm xuống còn 24% với kịch bản tiêu cực. Hay ngành bán lẻ, tăng trưởng năm 2021 trong kịch bản cơ sở và tiêu cực lần lượt là 25% và 18%.
Những phân tích trên để thấy được khả năng kiểm soát được dịch COVID-19 là ẩn số lớn với thị trường chứng khoán khi sức khỏe của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 8, hầu hết công ty chứng khoán đều đề cập đến rủi ro này.
HOÀNG LINH