Việc thoái vốn của Petrolimex khỏi PGBank được các nhà đầu tư đánh giá sẽ có những tác động nhất định tới hoạt động của ngân hàng do ảnh hưởng bởi các yếu tố như: tiền gửi, tiền vay, các khoản bảo lãnh, dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng dầu...
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022, tại thời điểm 31/12/2022, Petrolimex và các công ty con, công ty liên kết đang có tổng cộng gần 3.156 tỷ đồng tiền gửi tại PG Bank. Con số này tương đương hơn 10% tổng tiền gửi khách hàng của PG Bank.
Trong đó, riêng Petrolimex gửi 1.637 tỷ đồng, bao gồm 1.037 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Các công ty con và công ty liên kết trong Tập đoàn Petrolimex có 217 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và hơn 1.302 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Ngoài ra, Petrolimex và các công ty con, công ty liên kết còn có hơn 18,9 tỷ đồng lãi tiền gửi tại PG Bank.
Về vay nợ, Petrolimex không ghi nhận số dư nơ vay với PG Bank tại thời điểm 31/12/2022. Trong khi các công ty con và công ty liên kết trong tập đoàn vay hơn 619,9 tỷ đồng, tương đương 2,1% tổng dư nợ cho vay khách hàng của PG Bank vào cuối năm 2022.
Về phía PG Bank, chia sẻ về việc thoái vốn của Petrolimex, lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc thoái vốn của PLX sẽ tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia, nếu tăng vốn và mở rộng mạng lưới thì ngân hàng còn nhiều dư địa phát triển.
Trong năm 2022, PG Bank báo lợi nhuận trước thuế đạt hơn 119 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt hơn gần 49.000 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái.
Bước sang năm 2023, PG Bank dự kiến lãi 530 tỷ đồng và sẽ trình ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 25/4 tới đây.
LÊ TRÍ