Theo đó, kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng, thấp hơn 60% so với mức lãi ròng thu được cùng kỳ năm ngoái.
Kịch bản còn lại có sản lượng tiêu thụ tương đối khả quan hơn với 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi ròng 300 tỷ đồng.
Đáng chú ý là kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay vẫn còn nhiều tiềm ẩn bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Khó khăn này càng rõ nét hơn khi kết quả kinh doanh của Hoa Sen đã chứng kiến hai quý lỗ ròng liên tiếp. Tại quý gần nhất, doanh nghiệp báo lỗ ròng 680 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước vẫn lãi dương 638 tỷ đồng.
Trong niên độ mới, Hoa Sen dự kiến tổ chức triển khai dự án tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình hoạt động của tập đoàn theo lộ trình phù hợp với diễn biến thị trường.
Triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm. VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.
CHÂU HUY