Trần Dương

Lợi nhuận đột biến cao gấp 37 lần cùng kỳ, Cổ phần Logistics Portserco trả cổ tức bằng tiền mặt cao kỷ lục lên đến 350%

CTCP Logistics Portserco (HNX: PRC) vừa thông báo chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với một tỷ lệ gây sốc lên đến 350%. Được biết, ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/03, dự kiến chi trả vào 20/04.

Theo đó, với 1.2 triệu cp đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi ra khoảng 42 tỷ đồng để hoàn tất đợt thanh toán này cho cổ đông.

CTCP Logistics Portserco (HNX: PRC) vừa thông báo chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với một tỷ lệ gây sốc lên đến 350%.

Xét tổng tiền thực chi, con số 42 tỷ đồng có lẽ chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng tiền mặt trả cổ tức của một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên xét trên tỷ lệ chi trả, 350% là con số cao đến giật mình.

Thống kê năm 2022, tỷ lệ trả cổ tức cao nhất chỉ là 120%, thuộc về PTG. 350% cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay của chính PRC, bởi kể từ khi niêm yết vào cuối tháng 11/2010, mức cổ tức cao nhất doanh nghiệp này từng chi trả là 20%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 2,000 đồng.

Doanh nghiệp ngành vận tải và logistics này đã trải qua năm 2022 với khoản lợi nhuận gần 50 tỷ đồng, gấp đến 37 lần năm 2021 và cũng là mức lãi cao kỷ lục kể từ năm 2008.

Trong khi các chỉ số khác không có tác động đáng kể, thứ mang lại mức lãi kỷ lục nêu trên của PRC nằm ở khoản lợi nhuận khác, tăng đột biến lên tới 64.1 tỷ đồng, gấp 64 lần năm trước.

Theo giải trình từ Doanh nghiệp, khoản lãi đột biến này ở quý IV/2022, sau khi PRC hoàn tất việc bán tài sản là dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, địa chỉ số 3 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng vào ngày 12/10/2022.

Việc chuyển nhượng tài sản của PRC đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/08/2022 thông qua. Giá chuyển nhượng dự án là 85 tỷ đồng, được bán trực tiếp, không thông qua hình thức đấu giá. Tỷ trọng giá trị giao dịch trên tổng giá trị tài sản doanh nghiệp lên tới gần 80%.

Do là khoản lợi nhuận đột biến, không quá ngạc nhiên khi PRC đặt kế hoạch năm 2023 ở mức thấp hơn rất nhiều. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, PRC trình doanh thu 105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ 350 triệu đồng, tương ứng thấp hơn lần lượt 2% và 99.4% so với năm 2022.

Những ai được hưởng lợi?

Theo báo cáo thường niên 2022, cơ cấu cổ đông của PRC tương đối cô đặc với phần lớn cổ phần do ban lãnh đạo nắm giữ (tổng tỷ lệ lên tới 68%, chưa tính đến lượng cổ phiếu của người có liên quan).

Trong số đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhân sự và ông Nguyễn Lê Minh - Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty, nắm lần lượt 233,000 và 242,500 cp, tương ứng tỷ lệ 19.42% và 20.21%. Với tỷ lệ này, hai lãnh đạo sẽ nhận được lần lượt 8.4 tỷ đồng và 8.7 tỷ đồng trong đợt chi trả cổ tức sắp tới.

PRC còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Lê Nam Hùng - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc và bà Nguyễn Thị Tuyết - Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng. Ông Hùng và bà Tuyết nắm giữ lần lượt 98,500 cp và hơn 110 ngàn cp, tương ứng tỷ lệ 8.21% và 9.22%, qua đó nhận được 3.5 tỷ đồng và khoảng 4 tỷ đồng trong đợt chi trả này.

Tỷ lệ sở hữu trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Bình - con của Kế toán trưởng kiêm Ủy viên HĐQT Nguyễn Thị Tuyết, đã đăng ký mua 100 ngàn cp PRC từ ngày 17/02 - 14/03/2023 với mục đích tăng số lượng nắm giữ. Nếu thành công, ông Bình sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 1.05% (tương đương 12,600 cp) lên 9.38%, trở thành cổ đông lớn của PRC. Với thị giá 53,400 đồng/cp, dự tính ông Bình cần chi khoảng 5.3 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ nói trên.

LÊ TRÍ