8 tháng, hơn 700 doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú và ăn uống dừng hoạt động
8 tháng đầu năm, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh thì trong đó có 700 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Du lịch nội địa 6 tháng đầu năm ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng thời gian này, Hà Nội chỉ đón được khoảng 2,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Sở Du lịch Hà Nội thống kê, tính đến cuối tháng 3/2021, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn ước khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động tương đương gần 12.600 lao động tạm thời không có việc làm.
Mua bán sáp nhập ở những phân khúc thấp
Trong bối cảnh này, thị trường ghi nhân nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập khách sạn với nhau qua nhiều hình thức.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam nhận định, thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như tất cả các thị trường trên toàn cầu, đều chịu những tổn thất nặng nề đến hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.
Những khách sạn quy mô nhỏ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn. Chính vì vậy, đối tượng này đang gặp không ít khó khăn, từ đó sẽ phải tìm kiếm lối thoát, dẫn đến phải mua bán, sáp nhập.
Ông Troy tin tưởng rằng, sau khi kết thúc dịch Covid-19, thị trường bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Các đơn vị vận hành quốc tế tiếp tục giành nhiều sự tập trung cho việc đầu tư vào Việt Nam. Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Công ty đầu tư bất động sản Xuyên Hà cho rằng, đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mua lại những khách sạng đang sử dụng với giá bèo.
Theo vị này, khách sạn mua lại có thể kinh doanh, vận hành tốt ngay sau khi kết thúc dịch Covid-19 mà không cần phải nâng cấp, cải tạo. Khi đi vào vận hành chỉ cần đạt công suất từ 75-80% là đã có lời.
Ông Anh nhận định, đây là hướng đầu tư có lời, đang thu hút không chỉ những nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài. "Trong một cuộc khảo sát gần đây của JLL, 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Tuấn Anh dẫn chứng.
CBRE cho hay, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư săn đón những tài sản đang chịu áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn.