Sau khi mắc kẹt ở một số dự án năng lượng, BCG Energy của đại gia Nguyễn Hồ Nam liên tiếp huy động vốn với nhiều hình thức kể cả “phát hành giấy lấy tiền” từ các cổ đông hiện hữu

Admin

Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, hàng loạt dự án của BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) của đại gia Nguyễn Hồ Nam mắc kẹt về pháp lý, thủ tục và phương án kinh doanh, tài chính. Để giải quyết những khó khăn này, đại gia Nguyễn Hồ Nam đã tung tất cả các chiêu trò trong tài chính như: phát hành trái phiếu, tăng vốn, vay ngân hàng… và cả phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, chiêu trò mà dân tài chính thường gọi là “phát hành giấy” lấy tiền.

Nợ khủng vượt mức 29.000 tỷ đồng vẫn liên tục “phát hành giấy lấy tiền”

Trong báo cáo tài chính quý III/2021 của Bamboo Capital (BCG) thể hiện, dư nợ của công ty đã vượt mức 29.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn vào mức 1.962 tỷ đồng. Dư nợ dài hạn đặc biệt tăng mạnh, từ mức 10.564 tỷ lên 22.351 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay dài hạn gần 10.951 tỷ đồng và trái phiếu hơn 1.370 tỷ đồng.

Bamboo Capital của đại gia Nguyễn Hồ Nam dư nợ vượt mức 29.000 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn vào mức 1.962 tỷ đồng, dư nợ dài hạn từ mức 10.564 tỷ lên 22.351 tỷ đồng.

Để giải quyết cho khó khăn nói trên của BCG Energy, công ty mẹ BCG đã công bố phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, BCG sẽ chào bán gần 149 triệu cổ phiếu, tương ứng 50% số lượng cổ phiếu dự kiến lưu hành tại thời điểm thực hiện chào bán.

Cụ thể, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền mua, cứ 2 quyền mua sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Cổ phiếu lần này được tự do chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2021 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Tổng giá trị thu về tương đương 1.785 tỷ đồng, mục đích nhằm nâng cao năng lực về vốn cũng như bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh hoanh.

Trong nghị quyết mà BCG trình với giải trình với cổ đông công ty dự kiến chi 800 tỷ đồng để phát triển các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, chi 350 tỷ đồng cho điện gió Đông Thành 1, chi tiếp 450 tỷ đồng cho điện gió Đông Thành 2 và bổ sung hơn 985 tỷ đồng cho vốn lưu động.

Như vậy, mặc dù nợ khủng lên đến 29.000 tỷ đồng, nhưng do khát vốn nên BCG đã buộc phải tung chiêu “phát hành giấy lấy tiền” dành cho cổ đông hiện hữu, những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã tin tưởng và tương lai tươi sáng từ BCG của đại gia Nguyễn Hồ Nam.

Vấn đề đáng lưu ý ở đây, với lượng cổ phiếu lớn lưu hành trên thị trường, trong khi nội tại doanh nghiệp làm ăn bết bát. Liệu rằng nhà đầu tư có bị thiệt hại nặng nề khi đặt niềm tin vào BCG của đại gia Nguyễn Hồ Nam?

Phát hành trái phiếu để hút vốn cho BCG Energy

Trước đó, vào tháng 11/2021, Bamboo Capital phê duyệt phương án chào bán 5 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, với tổng mệnh giá tối đa 500 tỷ đồng để thu hút vốn cho 2 công ty điện gió.

Theo đó, lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên bằng 11,5%/năm và lãi suất cho các kỳ tính lãi sau 2 kỳ tính lãi đầu tiên là lãi suất thả nổi (được tính bằng công thức lãi suất tham chiếu tại kỳ tính lãi cộng biên độ 6%/năm).

Một số hạng mục tài chính của BCG trong 3 năm trước năm chào bán trái phiếu ra công chúng (Đvt: triệu đồng).

Dự kiến, thời điểm phát hành trái phiếu vào quý IV/2021 và quý I/2022 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Với nhà đầu tư cá nhân, tối thiểu phải đặt mua 1.000 trái phiếu và mức tối thiểu với nhà đầu tư tổ chức là 10.000 trái phiếu.

Mục tiêu của đợt phát này BCG sẽ ưu tiên cho 2 công ty con gồm cho Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 vay 247 tỷ đồng và Công ty cổ phần BCG Wind Sóc Trăng vay 253 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành này, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của BCG sẽ là 7,31 lần cao gần gấp 2 lần so với năm 2018.

Trước đó, tại ĐHCĐ 2021, ông Nam cũng cho biết kế hoạch tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

"Như đã báo cáo quý I/2021, tổng tài sản của BCG hiện đã lên 30.000 tỷ đồng và với tốc độ triển khai các dự án năng lượng - bất động sản, dự kiến tổng tài sản tăng lên hơn 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu vốn hiện tại của BCG đang tạo quan ngại với một số cổ đông và đối tác nên tôi tin rằng việc tăng vốn, cân bằng nguồn vốn tạo sự tin tưởng, sẽ rất tốt cho tất cả. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải tăng vốn lên hơn 5.000 tỷ đồng tương đương 15% tổng tài sản.”, ông Nam cho biết.

Mặc dù thừa nhận cơ cấu vốn hiện tại gây quan ngại cho nhà đầu tư nhưng ông Nam vẫn quyết định tăng vốn. Điều này cho thấy để khỏa lấp những khó khăn về tài chính, ông Nam không ngần ngại dùng tất cả những chiêu trò liên quan đến tài chính để hút vốn về cho BCG Energy.

Hút 11.000 tỷ đồng vốn từ một ngân hàng TMCP trong nước cho BCG Energy

Không chỉ dùng những gì nội tại doanh nghiệp có được để phát hành trái phiếu, phát hành riêng lẻ, tăng vốn… chủ tịch Nguyễn Hồ Nam còn thuyết phục được một ngân hàng TMCP lớn trong nước để hút 11.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án mà BCG Energy làm chủ đầu tư.

Cụ thể, ngày 22/7/2020 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020, BCG đã tổ chức thỏa thuận hợp tác về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm.

Không chỉ huy động tài chính, BCG Energy của đại gia Nguyễn Hồ Nam (phải) liên tục có sự ký kết, hợp tác với nhiều đối tác trong mảng năng lượng.

Theo đó, BCG sẽ dùng 8.000 tỷ đồng sẽ được dùng cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 MW tại tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; 2.000 tỷ đồng để thực hiện Nhà máy điện mặt trời 330MW tại Bình Định, 1.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái.

Được biết, trước đó BCG cũng hút được dòng vốn từ ngân hàng này cho dự án Nhà máy điện mặt trời GAIA với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, tổng công suất 140MW tại huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An.

Như chúng tôi đã thông tin, hiện tại tất cả những dự án mà BCG Energy triển khai đang gặp các vấn đề về pháp lý, định hướng kinh doanh và bài toán dòng tiền.

Theo đó, thách thức dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính nằm ở chỗ: với dự án điện gió thì Quyết định 39 sẽ hết hạn vào 31/10/2021, hiện Chính phủ chưa có quy định mới.

Vấn đề đặt ra ở đây là: tất cả các dự án của BCG Energy thì không thể phát điện trước 31/10/2021 do chưa sẵn sàng về các trạm, đường dây dẫn nối. BCG dự kiến đấu nối vào cuối quý II/2022, một phần còn lại vào năm 2023.

Điều này dẫn đến nguy cơ phương án tài chính kinh doanh các dự án điện gió của BCG (thông qua các pháp nhân như BCG Energy, Công ty CP Phát triển Tầm nhìn Năng Lượng Sạch) vẫn đang mông lung, với cơ chế giá điện cạnh tranh, đang chờ Chính phủ, Bộ ngành xây dựng quyết định.

Như vậy, nhìn vào bức tranh tài chính của BCG nhà đầu tư có quyền quan ngại về định hướng phát triển của tập đoàn này. Liệu BCG Energy sẽ phát triển mạnh mẽ và có thể IPO trên thị trường quốc tế như ông Nam kỳ vọng hay không? Câu trả lời vẫn đang ở thì tương lai.

AN NHIÊN