Trần Dương

Những thương vụ M&A kinh điển của thị trường Việt Nam: Kusto-Coteccons, từ “hôn phối” đẹp như mơ đến cuộc lật đổ lớn nhất trong lịch sử của ngành xây dựng – Kỳ 9

Admin

Vào lúc 21h, 5/10/2020, HĐQT Coteccons công bố thông tin chấn động: Ông Nguyễn Bá Dương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch có đơn từ chức vì lý do sức khỏe. Cùng lúc đó, 2 nghị quyết được ban hành: một đồng ý với đơn từ nhiệm của ông Dương, nghị quyết còn lại bổ nhiệm ông Bolat Duisenov, CEO Kusto Việt Nam làm chủ tịch kiêm đại diện pháp luật. Lý do nào khiến một cuộc hôn phối đẹp như mơ lại kết thúc đột ngột như vậy?

Thương vụ M&A lớn nhất trong ngành xây dựng và tham vọng lên tầm cao mới

Năm 2012, Kusto chính thức rót 520 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần với mức giá 50.000 đồng/cp vào Coteccons để trở thành cổ đông chiến lược của công ty này.

Chia sẻ về quyết định này, ông ông Talgat Turumbayev, Thành viên HĐQT của Kusto Group cho biết: “Ở Kusto, khi đánh giá khả năng đầu tư, chúng tôi muốn đầu tư vào nơi có một hệ thống quản lý tốt, và Coteccons không nằm ngoài trường hợp này.”

Năm 2012, Kusto chính thức rót 520 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần với mức giá 50.000 đồng/cp vào Coteccons để trở thành cổ đông chiến lược.

Tại thời điểm năm 2012, quyết định của Kusto đã đưa đến cho Việt Nam một thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử của ngành xây dựng.

“Kusto không phải là nhà đầu tư ngắn hạn. Nếu không có thiện chí, họ không bao giờ tôn trọng và giữ lại mọi thứ. Tôi sẽ còn ở Coteccons lâu dài”, ông Nguyễn Bá Dương nói về quyết định bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại Kusto. Tâm lý và phát biểu của ông Dương là rất thật. Bởi thời điểm năm 2012 thị trường xây dựng, bất động sản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Kusto không phải là nhà đầu tư ngắn hạn. Nếu không có thiện chí, họ không bao giờ tôn trọng và giữ lại mọi thứ. Tôi sẽ còn ở Coteccons lâu dài.”

Theo đó, các công ty bất động sản và xây dựng đang đứng trước 3 lựa chọn: hoặc ngủ đông, hoặc lấn sân sang ngành nghề khác, hoặc gọi thêm vốn để đổi mới mô hình kinh doanh. Với ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, giải pháp thứ ba đã được ông lựa chọn bằng việc mời Kusto về “chung một nhà”.

Vào thời điểm đó, cuộc hôn phối với Kusto nhận được đánh giá cao.

“Mặc dù quá trình triển khai thương vụ chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng nhưng 2 bên đã có một thời gian khá lâu tìm hiểu nhau. Thay vì chịu áp lực phát triển một mình trong một môi trường thay đổi rất nhanh, còn nhiều bất ổn như ở Việt Nam và đương đầu với những rủi ro thôn tính thù nghịch, ban lãnh đạo Coteccons và Kusto đã chọn cho mình một hướng đi khác biệt, đó là cùng xây một đế chế,”, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNK Capital Partners, đơn vị tư vấn thương vụ nhận định.

Trên thực tế, giá mua của Kusto là 50.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường (khoảng 38.000 đồng) với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 525 tỷ đồng (25 triệu USD), chiếm 24,7% cổ phần.

Năm 2012, thị trường xây dựng, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ông Nguyễn Bá Dương đã quyết định mời Kusto làm nhà đầu tư chiến lược với tham vọng đưa Coteccons lên tầm cao mới.

Theo ông Dương, công ty đã đạt được mục đích tốt đẹp cho tham vọng mới của mình. “Công ty sẽ hướng đến 2 mục tiêu sau thương vụ này: mở rộng mô hình kinh doanh và hợp nhất các công ty con.”, ông Dương chia sẻ.

Trên thực tế, sau khi Kusto rót vốn và với tài lãnh đạo của ông Dương, Coteccons đã có những bước tiến dài.

Theo đó, năm 2018, doanh thu của Coteccons đã vượt xa mốc 1 tỷ USD. Con số chính thức được công bố là 28.561 tỷ đồng, bỏ xa Hòa Bình, đối thủ cạnh tranh chính, công ty số 2 thị trường, khi doanh thu chỉ đạt 18.299 tỷ đồng.

Năm 2018, Coteccons bàn giao công trình được xem như “biểu tượng của Việt Nam”, Landmark 81 của Tập đoàn VinGroup. Đây cũng là năm mà Coteccons khẳng định vị trí số 1 của mình.

Cũng trong năm 2018, Coteccons bàn giao công trình được xem như “biểu tượng của Việt Nam”, Landmark 81 của Tập đoàn VinGroup. Đây là công trình cao tầng nhất được xây dựng bởi một công ty Việt Nam.

Một cuộc hôn phối đẹp như mơ và đã giúp Coteccons từ khó khăn trở thành công ty lớn nhất trong ngành xây dựng Việt Nam một thời gian dài.

Cuộc lật đổ lớn nhất trong lịch sử của ngành xây dựng

8 năm sau cuộc hôn phối đẹp như mơ ấy, vào lúc 21h, 5 tháng 10 năm 2020, HĐQT Coteccons công bố thông tin chấn động: Ông Nguyễn Bá Dương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam có đơn từ chức vì lý do sức khỏe. Cùng lúc đó, 2 nghị quyết được ban hành: một đồng ý với đơn từ nhiệm của ông Dương, nghị quyết còn lại bổ nhiệm ông Bolat Duisenov, CEO Kusto Việt Nam làm chủ tịch kiêm đại diện pháp luật.

Triều đại của ông Nguyễn Bá Dương tại Coteccons chính thức chấm dứt.

Trước đó, những mâu thuẫn nội bộ của Coteccons đã rạn nứt nghiêm trọng.

Cụ thể, trong thông cáo báo chí được Kusto phát đi vào ngày 2 tháng 6 năm 2020 nêu rõ: “Chúng tôi không thể đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặt biệt là các thành viên chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”

Ông Bolat Duisenov, Tổng Giám đốc Kusto Việt Nam trở thành tân Chủ tịch Coteccons sau cuộc lật đổ thành công ông Nguyễn Bá Dương.

Theo đó, Kusto nhấn mạnh: chúng tôi đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong 8 năm qua. Tuy nhiên, trong các đề xuất của mình, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons với các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của Kusto khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, Kusto chỉ ra Coteccons và Ricons có sự xung đột lợi ích khi Ricons vừa là nhà thầu phụ vừa là đối thủ cạnh tranh với chính Coteccons.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT của Ricons là ông Trần Quang Quân, Phó tổng giám đốc Coteccons. Chủ tịch Trần Bá Dương và CEO Nguyễn Sỹ Công của Coteccons là thành viên HĐQT của Ricons.

“Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Họ phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?”, Kusto chất vấn.

Trên thực tế, doanh thu thuần năm 2018 của Coteccons chỉ đạt 28.561 tỉ đồng, tăng trưởng 5,2% so với kết quả năm 2017, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 40% của những năm trước. Năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 27.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thế dự kiến 1.300 tỉ đồng, giảm 13,9%.

Doanh thu của Coteccons năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng so với các năm 2017-2019 vì những mâu thuẫn nội bộ.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại Ricons tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Ricons cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến khi doanh thu tăng từ 1.590 tỉ đồng năm 2014 lên 9.306 tỉ đồng năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng trưởng bình quân 56%/năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần từ 41 tỉ đồng lên 431 tỉ đồng.

Ngày tại thời điểm xảy ra các tranh chấp, Quí III/2020, doanh thu của Coteccons đạt 2.776 tỷ đồng doanh thu, 89 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 55% và 46% so với cùng kì năm 2019.

Sau những cáo buộc từ phía Kusto, liên tiếp các quỹ đầu tư lớn trong HĐQT của Coteccons lên tiếng ủng hộ Kusto. Th8th, một quỹ đầu tư có chân trong HĐQT của Coteccons lên tiếng quyết liệt.

"Chúng tôi cũng yêu cầu Chủ tịch và Đại diện pháp luật của Coteccons mời đại diện các cơ quan thẩm quyền có liên quan bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tới tham dự và giám sát cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên để đảm bảo ĐHĐCĐ sẽ được tiến hành công bằng, minh bạch và phù hợp với pháp luật Việt Nam.”, Herwig Guido H. Van Hove, CEO The8th bày tỏ.

Ông Herwig Quido H. Van Hove, CEO của The8th và nhà sáng lập quỹ Vahoca đối tác của Kusto.

Sau những sức ép liên tiếp và những bằng chứng xác thực về sự thiếu minh bạch của công tác quản trị điều hành (thậm chí mời cơ quan an ninh vào cuộc), nhóm Nguyễn Bá Dương dần dần nhượng bộ.

Ngày 22/06/2020, ông Nguyễn Sỹ Công, thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc và ông Trần Quyết Thắng, một nhân vật có ảnh hưởng có đơn từ nhiệm và được chấp thuận. Đây là động thái được xem là xoa dịu Kusto trước thềm ĐHCĐ.

Ngày 30/06/2020, ĐHCĐ của Coteccons diễn ra vào chiều muộn ở một quận ngoại thành TP.HCM nhằm né tránh sự quan tâm của truyền thông. Ông Dương đã thay mặt HĐQT để xoa dịu dư luận: "Nguyên nhân là do chúng ta không hiểu nhau. Dù bất kỳ lý do nào thì lỗi là do HĐQT, và bản thân tôi nhận phần lỗi về mình, tôi xin lỗi tất cả cổ đông", ông Dương bày tỏ.

Tại ĐHCĐ, có 2 thành viên mới là ông Bolat Duisenov, Tổng Giám đốc Kusto Việt Nam và ông Herwig Guido H. Van Hove, Giám đốc điều hành The8th được bầu bổ sung vào HĐQT.

Tay để trên ngực, vẻ mặt hối lỗi, chân thành, ông Nguyễn Bá Dương đã công khai xin lỗi cổ đông và nhà đầu tư tại ĐHCĐ nhằm cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn.

Tưởng chừng mọi thứ sẽ dừng lại ở đó nhưng có vẻ Kusto đã không còn kiên nhẫn. 4 tháng sau ĐHCĐ, ông Dương đã bị phế truất và Bolat Duisenov, CEO Kusto Việt Nam làm chủ tịch kiêm đại diện pháp luật.

Như vậy, Nguyễn Bá Dương, kiến trúc sư trưởng, người xây dựng nên đế chế Coteccons đứng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam đã phải ra đi một cách đầy căng đắng.

Để kết thúc cuộc hôn phối cứ ngỡ đẹp như mơ này, tân Chủ tịch Bolat Duisenov dùng những mỹ từ dành cho ông Nguyễn Bá Dương trong bức thư gửi cho cán bộ nhân viên của công ty vào ngày 6/10/2020, một ngày khi ông Nguyễn Bá Dương bị phế truất: "Vị thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương, người đã đặt nền móng cho Coteccons; người thủ lĩnh tinh thần dẫn dắt, gắn kết đội ngũ cán bộ nhân viên Coteccons vượt qua mọi khó khăn, thách thức; người doanh nhân xuất sắc gây dựng thương hiệu, uy tín dẫn đầu của Coteccons trên thương trường."

Minh Trí