Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Trung Thủy sụt giảm do vướng đất công và sai phạm của lãnh đạo, các dự án mới bị đình trệ, không thể triển khai

Admin

Việc các dự án bất động sản bị đình trệ khiến kết quả kinh doanh trong 4 năm gần nhất của Tập đoàn Trung Thủy (TT Group) không được tích cực. Lợi nhuận năm gần nhất, 2019 vỏn vẻ chỉ 8,3 tỷ đồng.

Tập đoàn Trung Thủy tiền thân là Doanh nghiệp Mỹ nghệ Miss Áo Dài, được thành lập từ năm 1994 bởi doanh nhân Dương Thanh Thủy, chuyên sản xuất, mua bán hàng thủ công mỹ nghệ với thương hiệu Miss Aodai nổi danh trong và ngoài nước.

Tới năm 2005, tập đoàn này bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với các dự án Sen Spa (10 tầng), Trạm dừng Mekong tại Tiền Giang.

Các năm sau đó, Tập đoàn Trung Thủy lần lượt đưa vào hoạt động Tòa nhà Miss Áo Dài (12 tầng, tại TP. HCM) năm 2006; Lancaster HCM cao 22 tầng tọa lạc tại Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP. HCM vào năm 2007. Đến năm 2013, Tập đoàn Trung Thủy bắt đầu đánh dấu tên tuổi tại Hà Nội với dự án Lancaster Hà Nội cao 27 tầng tại Núi Trúc, Ba Đình.

Từ năm 2017, Tập đoàn Trung Thủy mới xác định bất động sản là hoạt động trong tâm, với dự án chiến lược là Lancaster Lincoln tại 428 – 430 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, Quận 4, TP. HCM (gồm 2 block cao 40 tầng và tháp tiện ích cao 8 tầng).

TT Group mang đậm dấu ấn gia đình

Bà Dương Thanh Thủy (thứ 2 bên phải) là nhà sáng lập TT Group từ năm 1994 trong một dịp tiếp kiến tổng thống Obama.

 Sau 35 năm hoạt động, tìm hiểu của chúng tôi, Tập đoàn Trung Thủy vẫn mang đậm dấu ấn của một công ty gia đình. Trong đó, vợ chồng doanh nhân Dương Thanh Thủy (SN 1961) – Nguyễn Văn Trung (SN 1960) vẫn đảm nhiệm chức vụ cấp cao của CTCP Tập đoàn Trung Thủy (TT Group) – pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của Tập đoàn Trung Thủy.

Tuy nhiên, trong 4 năm gần nhất, TT Group lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá khiêm tốn.

Cụ thể, năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuận đạt 127,8 tỉ đồng, báo lãi thuần vỏn vẹn 8,3 tỉ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của TT Group đạt mức 2.497,6 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Kết quả kinh doanh của TT Group có phần tương đồng so với tình hình kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Trung Thủy khi các dự án cũ đã bàn giao từ lâu, còn các dự án mới (kể cả dự án trọng điểm) vướng lùm xùm pháp lý, triển khai chậm so với kế hoạch.

Công ty TNHH Minh Khang (Minh Khang) – doanh nghiệp dự án Lancaster Núi Trúc (khai trương năm 2013) – trong 4 năm gần đây ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt trong kết quả kinh doanh.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Minh Khang giảm từ 203 tỉ đồng xuống chỉ còn 10,8 tỉ đồng. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, năm ngoái, Minh Khang báo lỗ 9,7 tỉ đồng.

Được biết, dự án này do Tập đoàn Trung Thủy và Viện nghiên cứu da giày hợp tác xây dựng.

Dự án Lancaster Lincoln cũng vướng lùm xùm pháp lý thi công không phép và gần như đình trệ. Phải tới nửa cuối năm 2019, dự án trọng điểm của Tập đoàn Trung Thủy mới “rậm rịch” tái khởi động. Việc triển khai bị chậm trễ cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận (Lancaster Tân Thuận).

Cho tới cuối năm ngoái, tổng tài sản của Lancaster Tân Thuận ở mức 78,75 tỉ đồng, còn quy mô vốn chủ sở hữu cũng chỉ ở mức 20 tỉ đồng, tương đương với số vốn điều lệ đăng ký khi mới thành lập.

Theo thông tin chúng tôi có được, Lancaster Tân Thuận được sáng lập bởi Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster (Trung Thủy Lancaster) và CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Mã CK: VST) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 90% và 10% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, dự án Lancaster Lincoln được phát triển ngay trên phần đất từng được Nhà nước cho VST thuê để làm trụ sở chính. Dự án này nhiều khả năng sẽ nằm gọn trong tay của Tập đoàn Trung Thủy khi HĐQT VST vào tháng 6/2020 đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 10% vốn tại Lancaster Tân Thuận.

Dự án bị đình trệ vì vướng đất công và sai phạm của lãnh đạo

 Các thương vụ hợp tác với doanh nghiệp nhà nước để phát triển địa ốc của Tập đoàn Trung Thủy không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Trong đó, có thể kể tới mối hợp tác giữa TT Group và Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) tại Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri nhằm đầu tư Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất có diện tích hơn 650 ha, tại Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. HCM.

Dự án  Lancaster Lincoln là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt lãnh đạo TP.HCM bị bắt.

Từ sự hợp tác của TT Group với Sagri đã dẫn đến hàng loạt lãnh đạo TP.HCM sai phạm và bị bắt.

Theo đó, dưới thời ông Lê Tấn Hùng, Sagri có nhiều giao dịch, hợp tác làm ăn với Tập đoàn Trung Thuỷ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 ha.

Trong số hơn 1.900 ha đất nói trên, Tổng công ty đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM (Công ty con của Sagri) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri là 140 ha.

Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri là công ty con được thành lập do Tập đoàn Trung Thuỷ nắm 64% còn Sagri nắm 36%. Công ty có vốn điều lệ 223 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập dựa trên hợp tác giữa Trung Thuỷ và Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với điện tích 650 ha đất và vốn đầu tư khoảng 820 tỷ đồng.

Phía Tập đoàn Trung Thủy cam kết tự nguyện cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vay toàn bộ tiền góp vào vốn điều lệ ban đầu liên doanh nói trên và không tính lãi. Theo hợp đồng hợp tác này, bên Trung Thủy thanh toán cho Sagri chi phí đầu tư vào đất còn lại tạm tính 500 triệu đồng/ha.

Việc hợp tác này bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND Tp.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM. Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND TP.HCM có quy định là "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.”

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Sagri thanh lý hợp đồng với Trung Thuỷ Group về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Trung Thuỷ Sagri, do thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư.

Năm 2016, Trung Thuỷ và Sagri cũng có thương vụ hợp tác dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ có quy mô 1.398 m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác là 20 năm. Hiện dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác với tên gọi DreamPlex 2.

Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thuỷ thực như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận…để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại TP.HCM.

Ông Trần Vĩnh Tuyến (trái) và ông Trần Trọng Tuấn bị khởi tố hôm 11 tháng 07 năm 2020 với cùng tội danh theo Điều 219 BLHS 2015.

Kết quả với những quyết định nhập nhằn và sai phạm nêu trên ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Sagri bị bắt.

Những sai phạm này còn kéo theo ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng bị bắt vào tháng 7 năm 2020.

Ngoài ra, tại Hà Nội, Tập đoàn Trung Thủy còn thông qua CTCP Tân Phú Long rót vốn vào dự án tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê tại khu đất số 1152-1154 đường Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa (tên thương mại: Lancaster Luminaire).

Như chúng tôi từng đề cập, nhiều dấu hiệu cho thấy Tập đoàn Trung Thủy đã thâu tóm lượng lớn cổ phần của Tân Phú Long từ Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC).

Tại Đà Nẵng, CTCP Trung Thủy Đà Nẵng là chủ đầu tư dự án Lancaster Nam Ô Resort & Spa có diện tích 36,5 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 3.300 tỉ đồng.

Ngoài ra, TT Group là cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Trung Thủy Bình Châu Bà Rịa – Vũng Tàu - chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại xã Bình Chậu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, công ty này đã đổi tên thành Công ty TNHH The Forest City, đánh dấu cho việc đổi chủ của dự án rộng 99,883 ha.