Doanh nghiệp ở TP.HCM và Bình Dương đang 'trầy trật' tìm người lao động

Admin

Hàng nghìn người ồ ạt về quê khiến TP.HCM và Bình Dương đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động, hiện hai địa phương này đang "trầy trật" tuyển người.

Sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM bắt đầu trở lại sản xuất kinh doanh khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới từ 1/10. Thế nhưng, trước làn sóng người lao động ồ ạt rời TP.HCM về quê trong những ngày gần đây đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu lao động trầm trọng.

TP.HCM chỉ còn 46% lao động "trụ" lại

Ngày 7/10, trả lời VTC News, ông Phạm Hồng Quyền, Giám đốc Công Ty TNHH xuất nhập khẩu May Minh Nhật (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, không chỉ hiện nay mà ngay thời điểm trước dịch đã có nhiều công nhân bỏ về quê. Trước đây Công ty có gần 200 công nhân nhưng giờ chỉ còn vài chục người sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".

Ông Quyền cho rằng phương án "3 tại chỗ" gây ra rất nhiều khó khăn cho những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Việc đáp ứng điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, sản xuất cho người lao động tốn rất nhiều chi phí.

"Có khi tạm dừng sản xuất còn khỏe hơn nhưng vì công ty phải giải quyết một số đơn hàng đã kí kết với đối tác nên phải tiếp tục thực hiện", ông Quyền nói.

Về kế hoạch khôi phục lại sản xuất như trước đây, theo ông Quyền sẽ rất khó khăn, hiện công ty chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu hụt rất lớn nguồn lao động. "Số công nhân đã về quê thì không muốn quay lại, bây giờ chỉ hoạt động cầm chừng có bao nhiêu công nhân thì sản xuất bấy nhiêu thôi", Giám đốc Công Ty TNHH xuất nhập khẩu May Minh Nhật cho biết.

Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu LEGAMEX (quận 10, TP.HCM) cho biết, công ty mới hoạt động trở lại bình thường từ ngày 4/10, hiện số lao động chưa đến làm việc khoảng 70 người do đang bị "mắc kẹt" dưới quê hoặc đang phải cách ly.

"Hiện nay công ty cũng đang thiếu rất nhiều lao động, kế hoạch của công ty sẽ tuyển dụng thêm 200 lao động thì mới đủ làm các đơn hàng nhưng mà hiện cũng chưa tuyển được. Thứ nhất vì ngành may hiện không hút lao động lắm. Thứ 2 là người lao động tại TP bỏ về quê rất nhiều trong những ngày qua nên việc tuyển dụng rất khó khăn", đại diện Công ty Cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu LEGAMEX nói.

Cũng theo doanh đại diện nghiệp này, việc thực hiện 3 tại chỗ thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn, số lao động thực hiện theo phương án này chỉ chiếm 20% vì người lao động có con nhỏ hoặc vướng bận chuyện gia đình nên không thể sắp xếp được.

Đại diện một tập đoàn xây dựng lớn tại TP.HCM cũng cho hay, hiện các công trình xây dựng mà đơn vị thực hiện cũng đã bắt đầu tái khởi động lại sau một khoảng thời gian dài "đóng băng". Tuy nhiên, số lượng lao động quay trở lại làm việc hiện chưa có thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn sẽ bị thiếu hụt.

"Nếu không có đủ lao động thì tiến độ các công trình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", đại diện tập đoàn xây dựng này cho biết.

Tại buổi họp báo ngày 4/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, hiện tổng số lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đó.

Theo ông Hải, trước thời điểm 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM có khoảng 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến".

Từ 1/10 đến nay, số lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Số lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và số bổ sung thêm khoảng 57.000.

Bên trong một nhà máy hoạt động

"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy còn rất thiếu. Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý 3, thành phố có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là 43.600 - 56.800 người.

Về hướng giải quyết, ông Lâm cho biết, với lao động đi về quê, họ sẽ nhận được tin nhắn mời về TP.HCM để tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc phải đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, ví dụ như tiêu chí về xét nghiệm, tiêm chủng...

Bình Dương cần 50.000 công nhân để tái sản xuất

Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong vòng 6 ngày (từ 30/9 đến hết ngày 5/10), đơn vị ghi nhận hơn 123.000 người rời Bình Dương về quê.

Trước thực trạng hàng trăm nghìn người lao động ồ ạt về quê sau khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, bài toán giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp tái sản xuất cũng được đặt ra.

Theo lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ trung tâm để tuyển dụng lao động với số lượng gần 1.000 người. Trong đó có nhiều vị trí văn phòng như: Kế toán, bảo trì, nhân sự, vận hành máy, kho, nhân viên y tế… Trung tâm hiện đang có nhu cầu tuyển dụng 3.000 công nhân, lao động cho 3 nhà máy ở KCN VSIP 2, KCN Đại Đăng và KCN Mỹ Phước 3.

Trên thực tế, hiện còn khá nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa, chưa có lộ trình cụ thể để tái sản xuất. Với tình hình hiện tại, khi người lao động lần lượt rời Bình Dương về quê, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng khi mở cửa trở lại.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương dự báo, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ cần khoảng 50.000 lao động để tái sản xuất, khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất với nguyên tắc "3 tại chỗ" từ đầu mùa dịch đến nay. Tuy nhiên, lượng hàng giảm đáng kể.

Nguyên nhân do thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhiều công nhân ở ngoài không đủ điều kiện để vào nhà máy thực hiện 3 tại chỗ nên đã về quê. Do đó, doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất với 2/3 công nhân.

"Giờ đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới rồi, chúng tôi đang lên kế hoạch để đạt năng suất sản xuất như trước dịch. Song rõ ràng rất khó, vì việc thiếu công nhân là không thể tránh khỏi.

Như công ty chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất, nghĩa là vẫn cầm chân được công nhân. Không biết các doanh nghiệp đóng hẳn từ đầu dịch, công nhân đã về quê hết thì sau dịch sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt người lao động thế nào", ông Hậu nói.

Để góp phần tháo gỡ nút thắt này, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương sẽ kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến. Triển khai ngay các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành. Trong đó, chú trọng kết nối người lao động ở một số tỉnh ở miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương nhận định, vài ngày tới khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, ít nhiều sẽ thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian ngắn.

Để giải quyết tốt việc này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể kêu gọi người lao động quay lại làm việc, song song với kế hoạch sản xuất. Trong từng doanh nghiệp, các nhóm sản xuất phải thống kê ai đã về quê, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thống kê số lượng để có cách tuyên truyền, vận động họ trở lại.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phải có chính sách, cam kết với người lao động để họ thấy được quan tâm, sự đồng hành của doanh nghiệp.

Trước mắt, Sở sẽ kết nối với các địa phương thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước để điều tiết, thu hút nguồn lao động trở lại Bình Dương. Khi các nhà máy mở cửa lại nhiều và có nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn, cơ quan chức năng Bình Dương sẽ có kế hoạch phối hợp với các tỉnh để đón bà con trở lại làm việc.

"Chúng tôi sẽ rà soát, nắm lại nhu cầu của từng doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức công đoàn, Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành đưa người lao động quay lại làm việc. Với tất cả các nguồn kết nối này, chúng tôi hy vọng một thời gian ngắn, Bình Dương sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất những tháng cuối năm 2021", ông Tuyên nói.

Thy Huệ - Thế Quang