Trần Dương

Cách nào giúp startup không lâm vào cảnh ‘khô máu’

Admin

Được xem như “dòng máu” của startup, thế nhưng, việc duy trì dòng tiền và huy động vốn hiện rất khó khăn đối với startup trong bối cảnh thị trường chịu sức ép từ dịch Covid-19.

Startup nên chuẩn bị kỹ lưỡng khi tiếp cận với các nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội cho mình. Ảnh minh họa.

Phải liên tục huy động vốn dù vẫn còn tiền

Nguồn vốn được xem như “dòng máu” của startup, do vậy khi cạn vốn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “khô máu” và tiến dần đến “cửa tử”. Theo một thống kê tại Việt Nam, có đến 80% công ty khởi nghiệp trong nước thất bại do không đủ nguồn vốn để sống sót.

Thế nhưng, nhiều startup mỗi năm “đốt” cả tỷ USD, lỗ lên tới vài chục tỷ USD, nhưng vẫn hoạt động tốt vì duy trì được dòng tiền và huy động nguồn vốn khủng từ các quỹ đầu tư, điển hình như Grab, Tiki, Shopee hay Momo, Zalo Pay…

Lý giải về điều này, ông Lưu Tường Bách - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quỹ khởi nghiệp Hợp vốn – Aptus Venture Capital cho biết, mô hình kinh doanh của các startup có thể thay đổi khi còn dòng tiền, vì vậy, startup phải liên tục huy động vốn, kể cả vẫn đang có dòng vốn dự trữ.

“Startup phải có kế hoạch kinh doanh bài bản từ sớm và có chiến lược huy động vốn cụ thể. Đừng để đến khi cạn vốn mới nghĩ đến chuyện huy động, vì lúc đó có thể doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, nên rất khó thuyết phục các nhà đầu tư khi rủi ro quá cao”, ông Bách nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm startup luôn phải có chiến lược duy trì dòng tiền, ông Hiếu Nguyễn – Founder – CEO Nexus Group – đơn vị tư vấn M&A và đầu tư độc lập tại Việt Nam cho biết, khi khởi nghiệp, tất cả startup đều mong muốn phát triển dài hơi. Tuy nhiên trong thời gian đầu chưa có doanh thu, khách hàng trong khi bộ máy vẫn cần phải chạy, cần có chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”, tức tìm công việc, nguồn thu tức thời để nuôi startup.

Đa dạng chiến lược huy động vốn

Đối với một startup vừa hoàn thành vòng gọi vốn triệu đô từ Quỹ Mynavi Nhật Bản, chiến lược của TopCV Việt Nam là tiếp cận càng nhiều nhà đầu tư càng tốt. Ngoài ra, theo ông Trần Trung Hiếu - CEO TopCV Việt Nam, nếu cần vốn gấp, starup phải chấp nhận các định giá thấp và tiêu chí đầu tư thấp hơn so với kỳ vọng để nhanh chóng có dòng tiền giữ vững hoạt động kinh doanh.

Còn với ông Lê Anh Tiến – CEO Chatbot Việt Nam (startup nhận 500.000 USD từ Quỹ Next100 trong mùa dịch), nếu startup tự tin vào sự phát triển của doanh nghiệp thì có thể lựa chọn kênh huy động vốn cá nhân hoặc vay từ chính phủ, ngân hàng. Còn nếu vẫn “lơ mơ” về mô hình doanh thu thì không nên tiếp tục mà nên tìm hướng đi mới.

Startup không nên huy động vốn bằng mọi giá mà phải hiểu thị trường và khẩu vị của các nhà đầu tư để có chiến lược tiếp cận hiệu quả, bởi việc tìm sai nhà đầu tư cũng tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của startup.

Với một nhà đầu tư đã có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường, ông Lưu Tường Bách cho biết khi đầu tư vào doanh nghiệp, các nhà đầu tư rất chú trọng đến mô hình doanh thu, bởi đây là cách xác định khả năng thu hồi vốn và sinh lời của tiền đầu tư.

Hiện có các mô hình tạo ra doanh thu của doanh nghiệp: Bán sản phẩm/dịch vụ, thu phí hoa hồng, cấp phép sử dụng, thu phí dịch vụ, cho thuê sản phẩm/dịch vụ và phí đăng ký/phí thành viên. Để đạt được mô hình doanh thu này, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến 3 yếu tố. Thứ nhất là quy mô thị trường có đủ lớn hay không. Thứ hai, trong thị trường có thể tiếp cận được ngay, startup có thể tiếp cận được bao nhiêu khách hàng với kênh bán hàng hiện có. Thứ ba là thị trường mục tiêu, trong đó có khách hàng tiềm năng của startup như thế nào?

Tuy nhiên, ông Bách cũng cho biết startup không nên huy động vốn bằng mọi giá mà phải hiểu thị trường và khẩu vị của các nhà đầu tư để có chiến lược tiếp cận hiệu quả, bởi việc tìm sai nhà đầu tư cũng tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của startup.

Do vậy, vốn của founder và vốn tài trợ phải được tính toán theo tỷ lệ hợp lý để kiểm soát doanh nghiệp đi theo đúng lộ trình. Các vòng gọi vốn phải được thực hiện chuyên nghiệp để đưa ra được mức định giá đúng, tương ứng với tỷ lệ cổ phần để huy động vốn đúng nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, startup có thể tận dụng tối đa các nguồn tiền tài trợ không hoàn lại, nhưng không để phí quá nhiều sức lực cho việc huy động vốn theo hình thức này; hay dàn xếp tài chính từ hoạt động của doanh nghiệp, từ thuê mua tài sản, thế chấp tài sản, nhận tiền trước, giao hàng sau…

Huyền Trang