Trần Dương

Độ trễ giảm thêm lãi suất?

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất huy động và cho vay khi FED vừa giảm 0,5% lãi suất.

Theo lộ trình, FED có thể sẽ giảm tiếp 2% trong thời gian tới vừa giảm 0,5% lãi suất và có thể sẽ giảm tiếp 2% trong thời gian tới.

tre-ls-1727404527.jpg

Lãi suất huy động của một số ngân hàng.

Ở góc độ các ngân hàng thương mại, dư địa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào kỳ vọng chính sách cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Xu hướng hỗ trợ giá vốn

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB, trong 8 tháng qua, NHNN đã thực hiện rất tốt vai trò của mình khi điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. OCB kỳ vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là việc giảm lãi suất OMO và lãi suất điều hành, bên cạnh việc đề xuất NHNN xem xét việc quản lý hạn mức tín dụng theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng được đánh giá tốt.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, trong bối cảnh thời gian còn lại của năm nay chỉ còn chưa đầy 4 tháng, thì việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ.

Do đó, bên cạnh nỗ lực hạ lãi suất vay, lãnh đạo TPBank kỳ vọng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh.
Các kiến nghị của các lãnh đạo nhà băng được nêu ra trong thời điểm NHNN đã liên tục mạnh tay có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà băng giảm chi phí vốn và thêm thanh khoản, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ. Gần nhất trên thị trường OMO, NHNN cắt lãi suất xuống còn 4%/năm vào ngày 16/9 vừa qua, từ mức 4,25% trước đó.

Tác dụng đến ngay sau đó khi lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm áp dụng ngày 16/9 chỉ còn 3,28%/năm, giảm so với mức 3,47%/năm trong phiên ngày 13/9. Đến cuối tuần trước, lãi suất kỳ hạn được giao dịch vay mượn lớn nhất giữa các nhà băng với nhau vẫn tiếp tục giữ mặt bằng 3,28%/năm, khẳng định xu hướng hỗ trợ giá vốn cho các ngân hàng.

Lãi suất chính sách sẽ hạ thêm?

Tuy nhiên, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng qua thị trường mở để có điều kiện cung vốn ra thị trường, khả năng nhà điều hành điều chỉnh trực tiếp lãi suất tái cấp vốn và có tác động nhanh nhất đến mặt bằng lãi suất tiền gửi, được kỳ vọng thận trọng hơn.

Nguyên do là bởi từ chính thông điệp của NHNN. Ngay sau động thái hạ lãi suất của FED, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết trong các chính sách điều hành từ nay đến cuối năm 2024, NHNN sẽ thực hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng. NHNN không đề cập đến khả năng điều chỉnh lãi suất điều hành.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1%. Còn nhớ trước đó, NHNN đã yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho 1 - 2%. Dư địa giảm thêm lãi suất tiếp tục cần động lực trước hết ở các ngân hàng.

Mặc khác, sau cuối năm 2022 với hành động tăng lãi suất để “tháo bom” tỷ giá, từ tháng 6/2023, NHNN liên tục giảm các loại lãi suất điều hành. Sau 4 lần giảm lãi suất chủ chốt với mức giảm 0,5 – 2%/năm, NHNN đã đi ngược “cơn gió ngược”, nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh các NHTW lớn, đặc biệt FED thắt chặt tiền tệ.

Đây sẽ là yếu tố cản trở sự đồng nhịp tiền tệ, hưởng ứng đợt cắt giảm lãi suất của FED, đặc biệt khi trong thời gian qua các ngân hàng thương mại trong nước đã tăng lãi suất huy động vốn khá cao và rủi ro lạm phát lại vẫn còn phía trước.

Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, một trong những tác động lớn của việc FED đảo chiều chính sách lãi suất là NHNN sẽ có dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất. Việc ổn định mặt bằng lãi suất lúc này được nhấn mạnh hơn là kỳ vọng một độ trễ để giúp hạ lãi suất điều hành vào cuối năm nay.

Đồng nghĩa, xác định một kỳ vọng gần khả thi, sẽ giúp cầu tín dụng được kích hoạt theo đúng thời điểm, tốt hơn là chờ đợi.

LÊ MỸ