Trần Dương

Fed hạ lãi suất 0,5% lần đầu tiên từ năm 2020 và phát tín hiệu hạ thêm 0,5% vào cuối năm

Rạng sáng ngày 19/9 (theo giờ Việt Nam), sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020 nhằm ngăn chặn sự suy yếu của thị trường lao động.

Theo đó, trong bối cảnh cả tình hình việc làm và lạm phát đều hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm (50 điểm cơ bản), đưa phạm vi lãi suất xuống 4,75%-5%. Điều này phù hợp với kỳ vọng của thị trường. 

fed-1726704387.jpg

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed trả lời với báo chí trong một cuộc họp báo. Ảnh: Reuters

Lãi suất này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, mà còn tác động tới nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.

Ngoài những đợt cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch Covid-19, lần cuối cùng FOMC hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đáng chú ý, biểu đồ dot-plot còn chỉ ra sẽ có một đợt hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay, hạ thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025 và thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào năm 2026. Nhìn chung, biểu đồ cho thấy lãi suất chuẩn sẽ giảm khoảng 2 điểm phần trăm ngoài đợt giảm lần này.

chart-ls-my-1726704633.png

Diễn biến lãi suất của Mỹ từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2024.

Tuyên bố sau cuộc họp chỉ ra: “Fed đã có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến về mức mục tiêu 2% một cách bền vững, đồng thời đánh giá các rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát là như nhau”.

Quyết định nới lỏng được đưa ra sau khi Fed đánh giá tiến triển của lạm phát và cán cân rủi ro. Cuộc bỏ phiếu của FOMC kết thúc với kết quả 11-1, chỉ Thống đốc Michelle Bowman ưu tiên cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.

Đánh giá về tình hình nền kinh tế, FOMC nhận định rằng "tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp".

Các quan chức đã nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm nay lên 4,4%, từ mức dự báo 4% trong lần cập nhật gần nhất vào tháng 6. Đồng thời, họ cũng hạ triển vọng lạm phát từ 2,6% trước đó xuống 2,3%.

Về lạm phát lõi, FOMC đã hạ dự báo xuống 2,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6. Ủy ban kỳ vọng lãi suất trung lập dài hạn sẽ ở mức khoảng 2,9%.

Quyết định hạ lãi suất mạnh tay được đưa ra dù hầu hết các chỉ số kinh tế đều khá tích cực. GDP Mỹ tăng trưởng đều đặn.

Ngoài ra, Fed đã chọn hạ lãi suất mặc dù hầu hết các thước đo lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Trong tháng gần nhất, thước đo lạm phát ưa thích của Fed vẫn ở mức 2,5%, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm nhưng vẫn cao hơn mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác đã bày tỏ lo ngại về thị trường lao động. Mặc dù tình trạng sa thải chưa có dấu hiệu tăng lên, nhưng việc tuyển dụng đã chậm lại đáng kể.

Thêm nữa, tại buổi họp báo sau cuộc họp tháng 7, ông Powell đã nhận xét rằng một đợt cắt giảm 0,5 điểm phần trăm “không phải là điều mà chúng tôi đang nghĩ đến ngay lúc này”.

Nhưng ít nhất là ở thời điểm hiện tại, động thái hạ lãi suất 0,5% đã giúp giải quyết cuộc tranh luận xoay quanh việc Fed nên mạnh tay đến mức nào với đợt giảm lãi suất đầu tiên. Và nó cũng đặt ra câu hỏi rằng Fed nên hạ lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm nữa trước khi dừng lại.

Trong bối cảnh Fed đang là trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu, quyết định mới đây có khả năng sẽ tác động đến các Ngân hàng Trung ương khác. Trong đó, một vài nền kinh tế đã nới lỏng chính sách trước.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đều đã hạ lãi suất. Một số khác thì chờ tín hiệu từ Fed.

AN NHIÊN