Theo đó, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1% xuống 0,5% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5% xuống 6% một năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%, áp dụng từ đầu tuần tới.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động trong gần 3 năm gần đây. Còn hai lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 và 10 năm ngoái, trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.
Trước đó, hôm 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm. Giảm lãi suất điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới. Đây là tín hiệu định hướng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong họp báo thường kỳ chiều 31/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động từ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây tại Mỹ và châu Âu "không tác động nhiều đến hệ thống ngân hàng trong nước".
Tình hình thanh khoản, chất lượng tài sản, chuẩn mực quản trị của hệ thống đã nâng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 2008. "Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự cần biện pháp can thiệp gì tới thị trường khi đệm thanh khoản ở mức tốt, các nhà băng hiện nay có thể chống chọi được với cú sốc", đại diện cơ quan điều hành đánh giá.
LÊ TRÍ