Trần Dương

Cổ phiếu vật liệu xây dựng KSB, VLB sẽ nóng khi Chính phủ tăng tốc đầu tư công năm 2022

Admin

Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022 là tin rất đáng mừng đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng như đá, đất, thép, nhựa đường...

Tại hội nghị của Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ có giải pháp đổi mới thủ tục đầu tư, bố trí nhân lực để xây dựng kế hoạch, hoàn thành thủ tục khởi công 12 dự án cao tốc trong năm 2022. Đó là tiền đề để kịp hoàn thành các dự án vào năm 2025.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, 11 dự án cao tốc giai đoạn một đã được Quốc hội thông qua từ năm 2017, song phải mất 4 năm ngành giao thông mới hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công. Nếu vẫn tiếp tục như vậy, đến khi kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ chỉ khởi công được 12 dự án chứ không thể hoàn thành. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa ra các giải pháp cụ thể, tháo gỡ vướng mắc, cần thiết phải trình lên Chính phủ nhằm xử lý kịp thời.

"Đây là nhiệm vụ quan trọng để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.

Tin tức này được xem là thông tin rất đáng mừng đối với nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng như KSB (Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Hose), VLB (CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hoà, UpCom).

KSB sở hữu hàng loạt mỏ đá như Tân Đông Hiệp (23 ha), Phước Vĩnh (30 ha), Tân Mỹ (41 ha), Thiện Tân 7 (12 ha tại Đồng Nai), Bãi Giang (20 ha tại Nghệ An).

Trong báo cáo triển vọng 2022 mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng điểm tới đầu tư công như là lực đẩy chính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới.

VNDirect nhận định rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như đá xây dựng, sắt thép, xi măng được dự báo sẽ giảm trong năm 2022 sẽ tạo điều kiện đầu tư công diễn ra tích cực hơn. Bởi lẽ, bối cảnh giá leo tháng trong 2021 đã khiến giải ngân vốn đầu tư công thực tế ở mức thấp, chỉ đạt 85-95% kế hoạch cả năm.

Mặt khác, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành việc chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm 2022 sẽ khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, qua đó cải thiện tình hình doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Về ngành đá xây dựng, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, VNDirect tin rằng những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm.

Ước tính các dự án hạ tầng lớn ở phía Nam, gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Phan Thiết - Dầu Giây, sẽ cần từ 30-32 triệu m3 đá xây dựng trong giai đoạn 2020-25, tương đương 150-160% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành. Theo đó, các doanh nghiệp đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân do bốn công ty gồm CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB), CTCP Hóa An (DHA) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (DND) sở hữu.

Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2022-2023.

 Công ty chứng khoán Agriseco cũng từng nhận định rằng, kế hoạch giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 vừa được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5 vừa qua, tương ứng mức hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước là tín hiệu rất đáng mừng cho tình hình đầu tư công nửa cuối 2021.

Kim Điền