Trần Dương

Chuỗi siêu thị VinMart đang làm ăn ra sao?

Admin

VinCommerce đạt doanh thu 14.468 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, sụt giảm 9% so với cùng kỳ 2020. Chuỗi Vinmart bị ảnh hưởng khi doanh thu 6 tháng năm nay giảm 14% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa công bố doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.396 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả lỗ 162 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020. Riêng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty đạt 979 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với kết quả kinh doanh đề ra tại họp đại hội cổ đông thường niên, Masan mới chỉ hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu. Còn đối chiếu với mục tiêu lợi nhuận, tập đoàn mới chỉ đạt 39% sau nửa thời gian.

Kết quả trái ngược giữa VinMart và VinMart+

Trong các mảng kinh doanh của tập đoàn, bán lẻ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng đóng góp doanh số lớn nhất. VinCommerce, công ty con của Masan vận hành VinMartVinMart+, thu về 14.468 tỷ đồng sau 6 tháng. Tuy nhiên, bán lẻ cũng là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng âm với doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ 2020.

Masan lý giải doanh số của VinCommerce sụt giảm số lượng siêu thị so với cùng kỳ đã giảm 550 điểm sau chiến lược đóng cửa các siêu thị hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến VinMart.

Cụ thể, doanh thu các siêu thị lớn VinMart trong 6 tháng đầu năm đạt 4.925 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Masan cũng không mở rộng và còn đóng 1 siêu thị VinMart, giảm số lượng điểm bán còn 122 vào cuối tháng 6.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị mini VinMart+ tăng thêm 16 cửa hàng trong nửa đầu năm lên 2.247 điểm bán. Doanh số của hệ thống VinMart+ đạt 9.543 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ. Masan cho biết sẽ mở mới 300-500 cửa hàng VinMart+ trong 6 tháng cuối năm.

Đóng góp vào kết quả của hệ thống siêu thị mini, theo đại diện tập đoàn, là giá trị hóa đơn trung bình, lượng hóa đơn cao hơn cùng kỳ, doanh thu bình quân/m2 tại TPHCM tăng 2 chữ số. Nguyên nhân đến từ việc gia tăng danh mục sản phẩm hàng tươi sống, thay đổi mô hình bài trí cửa hàng và xu hướng mua sắm của người dân dịch chuyển.

Lợi nhuận trước thuế, khấu hao, lãi vay (EBITDA) của VinCommerce đạt 298 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Masan cho biết VinCommerce đã có 3 quý liên tiếp đạt EBTIDA dương từ quý IV/2020.

Lãnh đạo Masan cũng cập nhật kết quả thử nghiệm đặt các ki-ốt Phúc Long bên trong siêu thị mini VinMart+ đang đóng góp bình quân 5 triệu đồng doanh số mỗi ngày tại điểm bán, cải thiện biên EBITDA các cửa hàng này thêm 4%.

Sau khoản đầu tư của Alibaba, VinCommerce cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Lazada để tăng doanh số kênh online. Vào quý I, kênh online chiếm chưa đến 1% doanh số của siêu thị VinMart nhưng đến tháng 6 đã tăng lên 7%. Hiện tại, VinCommerce đang xử lý thành công 1.300 đơn hàng online và đặt mục tiêu tăng lên 10.000 đơn hàng vào cuối năm 2021.

Mảng thịt, vật liệu tăng trưởng nhanh nhờ M&A

Các mảng kinh doanh còn lại gồm hàng tiêu dùng nhanh (Masan Consumer Holdings), thịt (Masan MEATLife), vật liệu công nghiệp (Masan High-Tech Materials) sau 6 tháng đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020.

Masan Consumer Holdings đạt doanh thu 11.476 tỷ đồng, tăng 12%. Các ngành hàng như nước mắm, hạt nêm, thực phẩm tiện lợi, thịt chế biến, nước tăng lực, bia, bột giặt đều tăng doanh số.

Masan MEATLife báo cáo doanh số 10.232 tỷ đồng, tăng trưởng 42%. Các mảng thịt heo, thức ăn chăn nuôi đều tăng doanh số trên 30%. Ngoài ra, Masan MEATLife còn tăng doanh số đến từ sự đóng góp của sản phẩm thịt gà sau khi Masan mua lại công ty 3F Việt.

Masan High-Tech Materials là công ty có đóng góp doanh số khiêm tốn nhất khi chỉ thu về 6.107 tỷ đồng cho tập đoàn nhưng tăng trưởng cao nhất lên tới 138%. Mức tăng trưởng cao nhờ việc Masan hợp nhất kết quả kinh doanh sau khi mua lại mảng kinh doanh vonfram H.C.Stark (HCS) và giá nhiều vật liệu tăng cao trong nửa đầu năm nay.

Việt Đức