Trần Dương

Vụ Louis: 8 cá nhân bị đề nghị truy tố về tội thao túng TTCK, Phạm Thanh Tùng bị cho là không thành khẩn

Admin

Ngày 14/12/2022, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán, theo khoản 2 điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 cùng với 7 cá nhân khác.

Cùng tội danh, C03 đề nghị truy tố 6 khác gồm: Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (cựu Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thu Hương (Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt), Vũ Ngọc Long (cựu Tổng Giám đốc Louis Holding), Trịnh Thị Thúy Linh (cựu Giám đốc hành chính Louis Holding) và Ngô Ngọc Vũ (Tổng Giám đốc CTCP Louis Capital).

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội thao túng TTCK.

Theo kết luận điều tra bổ sung, năm 2020, ông Nhân mua lại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư. Sau khi mua về, ông Nhân đổi tên Bảo Thư thành Công ty Louis Land (mã BII) hoạt động chính là đầu tư bất động sản nhưng chưa có dự án nào.

Ông Nhân sau đó thâu tóm thêm Công ty Đầu tư và Xây dựng Trường Giang đổi tên thành Công ty Louis Capital (mã TGG).

Theo cáo buộc, khi có 2 mã cổ phiếu này, ông Nhân bàn với Nam tìm cách thao túng.

Với cổ phiếu BII, tháng 1/2021, ông Nhân mở tài khoản chứng khoán để mua thử gần 100.000 cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cổ phiếu, sau đó bán giá gấp đôi. Thấy có lãi, ông Nhân thống nhất với Nam và nhờ người thân mở nhiều tài khoản chứng khoán để mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu BII với giá cao nhất là 6.500 đồng/cổ phiếu.

Khi sở hữu số lượng lớn cổ phiếu BII, từ tháng 2/2021, ông Nhân và Nam dùng 17 tài khoản chứng khoán khác nhau để liên tục mua bán, khớp lệnh chéo. Từ đó giá BII được đẩy lên 11.200 đồng.

Tháng 8/2021 ông Nhân lập nhóm trên mạng xã hội mang tên Louis Family với hơn 10.000 thành viên. Ông Nhân thường xuyên đăng bài viết với các khẩu hiệu như "đặt lệnh hôm nay, lưu lại ngày mai", "đến cuối năm BII không tăng lên 3x, TGG không được 4x, mọi người cứ chửi thoải mái".

Những lời kêu gọi này đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đẩy giá BII liên tục có các phiên tăng trần và lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu - gấp 10 lần thời điểm nhóm ông Nhân mua vào.

Khi giá BII lập đỉnh cũng là lúc nhóm của ông Nhân và Nam bán chốt lời. Từ thời điểm mua vào đến khi bán ra, trong 10 tháng, nhóm ông Nhân bị cáo buộc thu lời hơn 64 tỷ đồng từ mã BII.

Với cổ phiếu TGG, từ tháng 2 đến 6/2021, nhóm ông Nhân liên tục dùng nhiều tài khoản khác nhau mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu TGG với giá 1.800 đồng/cổ phiếu. Nguồn tiền để mua vào vẫn là vay của Trí Việt để xoay vòng.

Khi có số lượng lớn TGG trong tay, ông Nhân lại hô hào thu hút nhà đầu tư. Sau nhiều phiên tăng trần liên tiếp, TGG lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu - gấp 37 lần thời điểm ông Nhân mua vào.

Khi lập đỉnh, TGG bắt đầu giảm sàn liên tục do mất thanh khoản, khối lượng giao dịch ít nên rớt về giá 10.550 đồng/cổ phiếu. Lúc TGG liên tục "nằm sàn", nhóm của ông Nhân đã kịp chốt lời, thu lợi bất chính hơn 92 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.

Cũng theo kết luận của C03 chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, với hành vi nói trên nhóm của ông Nhân và Nam đã thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng từ việc thao túng hai mã cổ phiếu BII và TGG. Tiền bán cổ phiếu được ông Nhân chỉ đạo cấp dưới nhận, chuyển vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau. Cuối tháng, cấp dưới của ông Nhân đưa các chứng từ cho người đứng tên mở tài khoản hộ ký xác nhận hợp thức thủ tục hồ sơ.

C03 cũng thông tin, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG. Ông Nam cũng nhận đã bàn bạc với ông Nhân về phương án, cách thức giao dịch để đẩy giá cổ phiếu BII và TGG lên cao, thu lời bất chính. Ông Nam khai còn được ông Nhân đưa 500 triệu đồng tiền lãi ngoài hợp đồng vay tiền mua bán giá cổ phiếu.

Khác với hai ông Nhân và Nam, Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt thiếu thành khẩn, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội.

Theo kết luận điều tra, Phạm Thanh Tùng bị xác định là người giám sát, chỉ đạo công việc hàng ngày của Chứng khoán Trí Việt và Công ty Quản lý tài sản Trí Việt (mã TVC). Nếu không có sự đồng ý của ông Tùng, Nhân và Nam không thể có nguồn tiền để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nói cách khác, Quản lý tài sản Trí Việt đã chi viện tiền đắc lực cho nhóm Đỗ Thành Nhân thực hiện hành vi nói trên.

Trong vụ này, riêng TVC của Phạm Thanh Tùng đã thu lợi bất chính hơn 14 tỷ đồng.

LÊ TRÍ