Theo đó, VAFI cho rằng: “Hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra hàng ngày tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán…đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế .”

VAFI kiến nghị Bộ Tài chính thay Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc HOSE, tiến hành cổ phần hóa đơn vị này.
Văn bản trên được gửi trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE diễn ra liên tiếp trong 3 tháng qua và vấp phải sự phản ứng gay gắt của các nhà đầu tư trên TTCK.
Hôm 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì một cuộc họp với Tập đoàn FPT để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng nói trên trong một thời gian dài lãnh đạo HOSE gần như bế tắc trong phương án giải quyết.
Theo đó, Bộ trưởng Dũng nhận định: hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX có thể áp dụng cho hệ thống giao dịch tại HOSE và chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Một điểm nhấn quan trọng khác mà Bộ trưởng Dũng lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư là: bác bỏ đề xuất nâng lô cổ phiếu lên 1.000 của lãnh đạo HOSE trước đó, vốn gây nhiều tranh cãi và gặp phải phản ứng gay gắt của nhà đầu tư.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính VAFI còn chỉ ra những bất cập đã tồn tại nhiều năm tại HOSE: “Sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Gần 10 năm trời mà không hoàn thành 1 dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm .”

Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo FPT để tìm ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc tại HOSE.
Ngoài ra, VAFI còn phân tích bên cạnh sự yếu kém về công nghệ HOSE còn thể hiện lỗ hổng trong các hoạt động quản trị khác như: hoạt động giám sát thị trường.
Để khắc phục tình trạng nêu trên VAFI đưa ra 3 giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, thay lãnh đạo HOSE cụ thể là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc bằng các nhân sự có chất lượng chẳng hạn như việc thuê các chuyên gia nước ngoài.
Thứ hai, không bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT, Ban điều hành của các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán như trước kia và hiện nay.
Thứ ba, nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán VN và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán.
Có thể hiểu những phản ứng của VAFI khi HOSE tỏ ra vô trách nhiệm trước tình trạng nghẽn lệnh xảy ra nhiều tháng qua khiến không chỉ nhà đầu tư thiệt hại mà còn khiến ngân sách nhà nước bị thất thu nghiêm trọng.
Theo đó, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ phải trả phí cố định là 0,03% cho Sở GDCK. Với thanh khoản thị trường thời gian qua thường chỉ đạt tối đa quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng, ước tính mỗi phiên HoSE thu về khoảng 9 tỷ đồng từ phí giao dịch (từ 2 chiều mua/bán). Nếu hệ thống không bị nghẽn, rất có thể số tiền HoSE thu về còn cao hơn nhiều trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào thị trường.
Nếu như thanh khoản tăng lên khoảng 30% so với hiện tại lên đến 20.000 tỷ/phiên thì mỗi năm tiền phí HoSE thu được vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tương ứng nguồn thu ngân sách từ lợi nhuận của HoSE tăng thêm.
Được biết văn bản nói trên của VAFI ngoài việc gửi cho Bộ tài chính cũng đồng thời gửi đến: Bộ Nội vụ, Ban Kinh tế TW, Văn phòng Chính phủ…
Hy vọng tình trạng yếu kém tại HOSE sẽ sớm khắc phục để TTCK hoạt động lành mạnh, minh bạch và hiệu quả hơn.
LÊ TRÍ

Sau đối thoại 2045, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm việc với FPT để xử lý vấn đề nghẽn lệnh, bác đề xuất nâng lô lên 1.000 của lãnh đạo HOSE
Chiều hôm qua 9/3/2021, tại Trung tâm Điều hành Bộ Tài chính, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo FPT để tìm ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc tại HOSE. Buổi họp tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Qua đó, Bộ trưởng Dũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tháo gỡ các vướng mắc tại HOSE. Đồng thời, bác đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu của lãnh đạo HOSE vốn gây nhiều phản ứng từ các nhà đầu tư.

HoSE thu phí giao dịch mỗi phiên lên đến gần 10 tỷ đồng, lãnh đạo HoSE bế tắc trong phương án khắc phục tình trạng nghẽn lệnh
Theo ước tính của chúng tôi, thanh khoản thị trường thời gian qua xoay quanh mốc 15.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư khi giao dịch sẽ phải trả phí cố định là 0,03% cho HoSE với số tiền tương đương 9 tỷ đồng. Tuy thu về số tiền phí lớn đến như vậy, nhưng lãnh đạo của HoSE tỏ ra bế tắc trong phương án khắc phục tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch.