Mặc dù giao dịch liên tục bùng nổ nhưng trong thời gian qua nhưng hiện tượng nghẽn lệnh tại HoSE không hề được khắc phục đã gây ra quá nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Không chỉ có vậy, hiện tượng nghẽn lệnh tại HoSE còn là nguyên nhân gây thất thu cho ngân sách nhà nước rất lớn. Hiện tại, HoSE là đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Do đó, phần lớn lợi nhuận từ HoSE sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ sẽ được chuyển về Ngân sách Nhà nước.
Theo quy định, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ phải trả phí cố định là 0,03% cho Sở GDCK. Với thanh khoản thị trường thời gian qua thường chỉ đạt tối đa quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng, ước tính mỗi phiên HoSE thu về khoảng 9 tỷ đồng từ phí giao dịch (từ 2 chiều mua/bán). Nếu hệ thống không bị nghẽn, rất có thể số tiền HoSE thu về còn cao hơn nhiều trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào thị trường.
Ước tính, với thanh khoản tăng thêm 1.000 tỷ đồng, HoSE sẽ thu về thêm 0,6 tỷ đồng mỗi phiên. Chúng ta có thể hình dung số tiền ngân sách có thể thu thêm nếu không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trong 3 tháng qua.
Nếu như thanh khoản tăng lên khoảng 30% so với hiện tại lên đến 20.000 tỷ/phiên thì mỗi năm tiền phí HoSE thu được vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tương ứng nguồn thu ngân sách từ lợi nhuận của HoSE tăng thêm.
Theo báo cáo của chính HoSE, năm 2018, doanh thu HoSE đạt 935 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ phí giao dịch lên tới 815 tỷ đồng, chiếm 87%. Sau khi trừ đi các chi phí trong kỳ, HoSE đạt lợi nhuận 521,5 tỷ đồng, con số cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2019, doanh thu của HoSE có giảm đi một chút do thị trường xấu đi nhưng doanh thu HoSE vẫn đạt 713,7 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ giao dịch chứng khoán lên tới 602,7 tỷ đồng, chiếm 84%.
Năm 2020, khi làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường một cách bùng phát thì kết quả kinh doanh của HoSE cũng cải thiện tương ứng. Báo cáo bán niên năm 2020 cho biết HoSE đạt doanh thu 382 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019, trong đó doanh thu từ giao dịch chứng khoán chiếm 326,7 tỷ đồng, tương đương 85%.
Hiện HoSE chưa công bố báo cáo cả năm 2020 và quý 1/2021, nhưng với thanh khoản tăng mạnh trong những tháng qua, có thể dự báo doanh thu, lợi nhuận HoSE sẽ còn tăng rất mạnh so với những năm trước.
Tuy nhiên, với tình trạng nghẽn lệnh trong 3 tháng qua, không chỉ ngân sách nhà nước bị thiệt hại nặng nề mà còn khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường.
Trước bối cảnh như vậy, nhưng lãnh đạo của HoSE dường như bế tắc khi liên tục đưa ra các giải pháp gây khó cho nhà đầu tư.
Mới đây, ông Lê Hải Trà, CEO HoSE cho biết: "Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".
Đây là một quyết định được xem là gây khó khăn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào TTCK. Ví dụ, trước đây nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk: MCK: VNM) có mệnh giá giao dịch ngày 02/03/2021 chỉ cần bỏ ra 10.490.000 đồng, với quyết định này của ông Trà, nhà đầu tư cần đến 104 triệu đồng mới có thể mua được cổ phiếu VNM! Đây quả là một bài toán khó đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tiếp cận thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư S-Talk, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường nhận định: “Ở Mỹ, nhà đầu tư cá nhân đầu tư trực tiếp vào TTCK là 50%, Hàn Quốc là 20%, Thái Lan là 12%, Trung Quốc là 8%, Việt Nam tối đa chỉ 3%. Nếu đẩy hết họ đi bằng cách mua chứng chỉ quỹ thì bao giờ mới lên được mục tiêu 5%?”
Tại buổi đối thoại 2045 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet cho hay: Về vấn đề của HoSE, bà Thảo đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel… để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Theo bà Thảo, chỉ cần 60 tỷ đồng và 60 ngày để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh nói trên.
Còn theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT thì: Thủ tướng nên để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HoSE. Theo ông, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, những trục trặc của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.
Với tình trạng hiện tại của HoSE, có lẽ, Bộ Tài chính nên có những biện pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc của thị trường trong thời gian sắp tới.
MINH TRÍ