Trần Dương

Sau khi 'quay xe' không muốn huỷ niêm yết, Petroland báo lãi quí IV còn 40 triệu đồng

Admin

Thay vì sẽ hủy niêm yết tự nguyện theo kế hoạch, Petroland (PTL) lại không muốn rời sàn. PTL lên chiến lược nâng vốn hóa lên 10,000 tỷ đồng trong khi giá trị hiện tại chỉ đạt hơn 1,550 tỷ đồng.

Nhiều năm liền, cổ phiếu PTL liên tục nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm.

CTCP Thương mại Dầu khí - Petroland (HOSE: PTL) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2021 với các chỉ tiêu giảm mạnh.

Doanh thu thuần đạt 25 tỷ đồng - giảm 72% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, kênh bán hàng giảm mạnh 82% xuống còn 16 tỷ đồng, kênh cho thuê nhà cũng giảm nhẹ xuống còn 626 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong quý IV/2021, Petroland ghi nhận thêm doanh thu dịch vụ đạt 8,5 tỷ đồng. Tuy giá vốn được tiết giảm đáng kể, song lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 3,1 tỷ đồng - giảm mạnh so với khoản lãi 6,6 tỷ đồng trong năm 2020. Doanh thu tài chính giảm 44% xuống 2,3 tỷ đồng do lãi tiền gửi và cổ tức lợi nhuận được chia trong kỳ giảm mạnh. Mặc dù giảm mạnh các loại chi phí song PTL vẫn không thoát khỏi đà lao dốc khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 40 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 482 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh chuyển biến xấu cũng tác động tiêu cực lên dòng kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, dòng tiền kinh doanh của PTL chuyển từ dương sang âm 25 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, doanh nghiệp đạt 127 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 48% xuống mức 241 triệu đồng.

Trước đó, PTL thông qua Nghị quyết về việc thay đổi, bổ sung nội dung họp ĐHĐCĐ bất thường 2021. Đại hội dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1/2022, ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/12/2021.

Trong đó, PTL sẽ trình cổ đông thông qua chiến lược, mô hình phát triển Công ty, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, kế hoạch, chiến lược nâng giá trị vốn hóa lên 10,000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty dự kiến hủy bỏ nội dung "Chủ trương hủy niêm yết” theo Nghị quyết ngày 03/12/2021 tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021.

Ngoài ra, hai thành viên HĐQT được cử làm đại diện vốn góp của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) tại PTL sẽ rút khỏi HĐQT theo đơn từ nhiệm ngày 15/12/2021. PTL sẽ đưa nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT vào nội dung họp ĐHĐCĐ sắp tới.

Ngay khi những nội dung trên được công bố, giá cổ phiếu PTL liền chạm trần tại mức 15,700 đồng/ cổ phiếu (phiên 16/12), khối lượng giao dịch hơn 465,300 cổ phiếu.

Chốt phiên 14/1/2022, thị giá PTL dừng ở mốc 13.950 đồng/cổ phiếu.

Petroland được thành lập vào năm 2007, đến tháng 9/2010, cổ phiếu PTL chính thức chào sàn HOSE với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đà lao dốc trong hoạt động kinh doanh những năm sau đó đã khiến thị giá cổ phiếu lao dốc.

Nhiều năm liền, cổ phiếu PTL liên tục nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm. Đến thời điểm hiện tại, Petroland chỉ mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là Chung cư Petroland Quận 2, Chung cư Mỹ Phú, Trung tâm Thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower) và Khu phức hợp 30/4.

Dù vậy, Petroland có quyền phát triển nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, Khu chung cư Quận 7, Khu nghỉ dưỡng sân gôn Cam Ranh (Khánh Hòa). Các dự án bất động sản được coi là mục tiêu thâu tóm và tái cơ cấu doanh nghiệp ở Petroland.

Kim Điền