Ngày 5/7, HoSE chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới do FPT tiến hành "giải cứu". Việc hệ thống mới chính thức hoạt động được kỳ vọng giúp dòng tiền đổ vào mạnh hơn, kéo theo xu hướng tăng trưởng của thị trường.
Sau tròn một tuần đi vào vận hành, hệ thống mới đã giúp giao dịch trở nên trơn tru hơn, giải quyết tình trạng tắc nghẽn gây bức xúc, tuy nhiên, diễn biến giao dịch lại không thực sự tích cực khi các chỉ số liên tiếp giảm sâu.
Trong 1 tuần qua (5-12/7), chỉ số VN-Index đã liên tiếp có những phiên giảm sâu, nổi bật trong đó là phiên 12/7 với mức giảm 3,77%; phiên 9/7 với mức giảm 2% và phiên 6/7 với mức giảm 3,99%. Tính chung trong 6 phiên giao dịch qua, VN-Index đã mất đi tổng cộng 123,97 điểm, tương ứng 8,73%.
Vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng bị "thổi bay" 464.344 tỷ đồng, tương ứng hơn 20 tỷ USD kể từ khi hệ thống giao dịch mới chính thức đi vào hoạt động.
Dữ liệu Bloomberg cho biết tại mức giá đóng cửa phiên 12/7, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 17,77, "hạ nhiệt" đáng kể so với giai đoạn đầu tháng 7 khi P/E lên vào khoảng 19,5. Nếu cập nhật KQKD quý 2/2021, định giá P/E của VN-Index sẽ còn thấp hơn nhờ triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong quý.
Thống kê trên sàn HoSE từ ngày 5/7 tới nay cho biết sàn giao dịch này ghi nhận 251 mã có mức giảm từ 6% trở lên, đây là mức giảm lớn hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm. Trong đó, không ít mã ghi nhận mức giảm trên 20%, bao gồm các mã cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng khá "nóng" thời gian qua như AGR, FTS, VIX, CTS. Những nhà đầu tư mới mua vào thời gian gần đây chắc hẳn đã chịu thiệt hại không nhỏ.
Ở chiều ngược lại, dù thị trường chung không quá thuận lợi nhưng vẫn xuất hiện một vài mã ngược dòng tăng, một số mã tiêu biểu có thể kể tới như MWG (+12,62%), FRT (+9,63%), MSN (+5,26%), DGW (+4,62%), PNJ (+2,61%), HDG (+2,3%)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thị trường giảm gần đây đến từ áp lực chốt lời của giới đầu tư sau giai đoạn tăng không ngừng nghỉ. Thống kê từ Indexq, với mức tăng gần 28%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện đang ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021. Theo dự báo từ CTCK Bản Việt (VCSC), tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể chỉ đạt 5,5%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7% do tác động từ dịch Covid-19.
MINH ANH