Trần Dương

Trong khi Vingroup đóng mảng tivi, điện thoại và buộc phải bán chuỗi bán lẻ cho Masan thì The CrownX của Masan trở thành con gà đẻ trứng vàng khi được định giá lên đến 6,9 tỷ USD

Ngày 18/5/2021, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Theo đó, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Trong định hướng chiến lược, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng.

Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc. Ngoài ra, Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của Công ty trong thời gian tới.

“Thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.”, Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group cho biết.

Còn theo ông Kenny Ho, Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn Alibaba tại Đông Nam Á và Ấn Độ cho biết: “Sự kết hợp giữa hiểu biết của Alibaba trong ngành bán lẻ online, nền tảng thương mại điện tử của Lazada, và hệ thống bán lẻ offline quy mô của Masan sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam.”

Được biết, để thúc đẩy sự hợp tác này Credit Suisse Limited (Singapore) đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho Masan Group. Trong khi đó, Deutsche Bank là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho BPEA.

Trái ngược hoàn toàn với Masan, sau khi bán đi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco vào năm 2019 và thu về 8.500 tỷ đồng Tập đoàn Vingroup lại tiếp tục cắt giảm một mảng quan trọng khác là sản xuất tivi và điện thoại di động vào hôm 9/5/2021.

Sau khi bán đi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco vào năm 2019 Tập đoàn Vingroup lại tiếp tục cắt giảm mảng sản xuất tivi và điện thoại di động.

Khi đóng cửa mảng bán lẻ và thương mại điện tử, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Tập đoàn Vigroup cho hay: Việc đóng cửa là do thay đổi chiến lược mới, toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.

Tuy nhiên, cái tuyên bố kết thúc mảng sản xuất tivi và điện thoại di động vào hôm 9/5/2021 cho thấy nhận định nói trên của ông Quang lần nữa cho thấy sự thất bại trong chiến lược phát triển những lĩnh vực kinh doanh của Vingroup.

Khi nói về việc chuyển giao hệ thống VinMart, VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco vào năm 2019 cũng chính ông Quang tuyên bố: Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào Công nghệ - Công nghiệp. Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế.

Xem ra với việc đóng cửa mảng sản xuất tivi và điện thoại di động giấc mơ toàn cầu của Vingroup vẫn còn đang được chia ở thì tương lai.

MINH TRÍ