Theo đó, lý do cơ quan này đưa ra là Panasonic Việt Nam chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan. Theo đó, trách nhiệm của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên là hàng năm phải cung cấp cho cơ quan hải quan báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính, cũng như chấp hành các quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Đồng thời, thông báo cho cơ quan hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp.
Theo Luật Hải quan, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Đồng thời, được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.
Ngoài ra, được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
Năm 2021, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam được công nhận doanh nghiệp ưu tiên. Khi bị tạm đình chỉ chế độ này, doanh nghiệp sẽ không còn được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, không được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan...
Panasonic hiện diện tại Việt Nam từ những năm 1950, sau đó đặt dấu mốc chính thức có mặt vào năm 1971 với tên gọi Công ty Việt Nam National (NAVINACO) tại TP.HCM.
Công ty TNHH Panasonic Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giữ vai trò công ty chủ quản tại Việt Nam. Tính đến tháng 4/2022, Tập đoàn đến từ Nhật Bản có 7 công ty tại Việt Nam với tổng số nhân lực trên 7.000 người.
HẠ VY