Nhìn chung, doanh thu tất cả các mảng của Idico đều giảm trong năm 2021, ngoại trừ kinh doanh bất động sản (tăng 117% lên 149,4 tỷ đồng) và cung cấp vật liệu xây dựng (tăng 5% lên 250,7 tỷ đồng). Trong cơ cấu tổng doanh thu, kinh doanh điện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.697 tỷ đồng (chiếm 62%), giảm 5,6% so với năm 2020. Xét về lợi nhuận gộp, dịch vụ khu công nghiệp đóng góp lớn nhất với 262,7 tỷ đồng, chiếm 35,6%.
Tuy nhiên, công ty lại ghi nhuận doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh. Theo đó, doanh thu tài chính gấp 4,4 lần lên gần 172 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 130,5 tỷ đồng lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cùng hơn 41 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Tại ngày 31/12/2021, Idico có hơn 123 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh phát sinh trong quý IV, cùng 2.045 tỷ khoản tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất 3-6,5%/năm tại ngân hàng thương mại, gấp đôi thời điểm đầu năm.
Ngược lại, Idico lỗ hơn 52,5 tỷ trong công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lãi hơn 31,5 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tại công ty liên kết giảm từ 690 tỷ đồng đầu năm xuống 92 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ việc rút 265,2 tỷ vốn tại Thủy điện Đắk Mi và 265,8 tỷ tại Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.
Chi phí tài chính gấp 3,2 lần, lên 168 tỷ đồng, chủ yếu từ trả lãi tiền vay và chi phí kinh doanh chứng khoán. Tính đến 31/12/2021, Idico còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.447 tỷ đồng (tăng 859 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 2.084 tỷ đồng, giảm 82 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Chi phí hoạt động cũng gấp 3,2 lần lên 168,7 tỷ đồng, phần lớn do trả lãi tiền vay và chi phí kinh doanh chứng khoán. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng lần lượt 29% và 13% lên 17 tỷ và 66,3 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế giảm 95% xuống 35,8 tỷ đồng. Phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hơn 998 triệu đồng. Đây là lần đầu công ty báo lỗ ròng kể từ khi công bố BCTC vào năm 2015.
MINH TRÍ