Trần Dương

Kiến nghị Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt phục hồi kinh tế sau dịch

Admin

Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM – kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 để xây dựng những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia.

Tại hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra chiều 15-9, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL lần lượt đạt mức 4,58% và 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2021, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước.

Theo ông Đông, tốc độ tăng trưởng năm 2021 của hai vùng có thể thấp hơn, thậm chí một số tỉnh, thành phố có thể ghi nhận tăng trưởng âm trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ KHĐT cung cấp.

Cụ thể, vùng Đông Nam bộ gồm các tỉnh, thành: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước có thể ghi nhận tăng trưởng GRDP ở mức âm 0,13%, theo dự báo của Bộ KHĐT.

Lý giải nguyên nhân, cơ quan này cho biết dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong ở mức cao, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới phức tạp. Còn sức chống đỡ của hệ thống y tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân đều đã tới ngưỡng.

Điều này, theo Bộ KHĐT, khiến hai trung tâm sản xuất lớn của vùng Đông Nam bộ là Bình Dương và TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề.

Với TPHCM – địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ, Bộ KHĐT dự báo thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ‘đóng băng’, sau khi trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội.

Còn với các địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp và xây dựng, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (70,21%), Bình Dương (67,5%), Đồng Nai (60,22%), dịch bệnh sẽ gây ra một số vấn đề như thiếu nhiên liệu sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, thiếu nhân công lao động và ngưng trệ sản xuất.

Ngoài ra, khoảng 80% doanh nghiệp tại vùng Đông Nam bộ bị ngừng trệ hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản do cầu trên thị trường giảm đột ngột, dẫn đến giảm doanh thu và mất khả năng thanh toán.

Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp và di cư về các địa phương gia tăng cũng tiềm ẩn áp lực về các vấn đề an sinh, xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo lại với các địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

6/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội của khu vực Đông Nam Bộ dự kiến không đạt kế hoạch năm 2021. Ảnh: Bộ KHĐT cung cấp.

Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM – cho biết thành phố có thể không hoàn thành được những chỉ tiêu lớn về phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 trong bối cảnh nhiều lĩnh vực, ngành ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021 giảm 10,57% so với cùng giai đoạn năm trước, doanh thu ngành du lịch giảm 21,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm 43,6%.

Ngoài ra, gần 3.000 doanh nghiệp đã giải thể, hơn 12.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động – tăng 18% so với cùng giai đoạn năm trước. Bên cạnh đó, thu ngân sách của TPHCM chỉ đạt 70% dự toán.

“Bình thường TPHCM thu 1.400 tỉ đồng mỗi ngày, nhưng đến tháng 8 con số này chỉ còn khoảng 800 tỉ đồng và hiện tiếp tục xu hướng giảm”, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TPHCM ước tính lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Thủ Đức: động lực phát triển vùng đô thị phía đông TPHCM

Để phục hồi kinh tế vùng Đông Nam bộ trong năm 2022, Bộ KHĐT đề xuất các địa phương trong vùng khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch, nhưng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu các giải pháp để giải quyết các bất cập về quy hoạch với quản lý đô thị nhằm đảm bảo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng.

Theo Bộ KHĐT, việc này sẽ giải quyết triệt để các vấn đề gồm ngập lụt, kẹt xe, áp lực quá tải về mật đô dân cư, ô nhiễm môi trường.

Với TPHCM, Bộ KHĐT kiến nghị thành phố tiếp tục hoàn thiện các đề án như xây dựng Trung tâm tài chính của quốc gia, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho thành phố Thủ Đức theo nguyên tắc một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện.

“Cần đặt thành phố Thủ Đức đúng vị trí vai trò là động lực phát triển vùng đô thị của thành phố về phía đông trong 10 năm tới. Hình thành một đô thị hoàn chỉnh đối trọng với đô thị cũ để xây dựng thành phố thành đô thị xanh và thành phố thông minh trong tương lai gần, tạo cơ chế chính sách vượt bậc để thành phố có điều kiện phát triển”, Bộ KHĐT cho biết.

Với Bình Dương, Đồng Nai và Long An, cơ quan này kiến nghị cần sắp xếp, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn. Còn với Bà Rịa – Vũng Tàu, cần tăng cường phát triển du lịch sau dịch bệnh, giảm dần phụ thuộc khai thác dầu khí.

Ông Võ Văn Hoan kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia.

“Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm, bởi ước tính riêng TPHCM cần khoảng 8 tỉ đô la Mỹ và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Hoan nói.

Ông cũng kiến nghị Bộ KHĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TPHCM ở mức 23% để có thêm nguồn lực cho quá trình phục hồi kinh tế.

“Điều chỉnh sớm, TPHCM có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương”, ông Hoan nhấn mạnh

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đề xuất đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục qua việc cho phép TPHCM thí điểm việc đấu giá với đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội. Việc này, theo ông Hoan, giúp thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất Bộ KHĐT tham mưu cho Chính phủ việc ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm gồm dự án đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án là hơn 17.000 tỉ đồng.

HOàng Thắng