Trần Dương

Hầm Hải Vân 2 có nguy cơ phải đóng cửa vào ngày mùng 10 Tết vì vướng mắc 1.180 tỷ đồng cơ quan Nhà nước chưa giải ngân cho doanh nghiệp

Admin

Ngay những ngày đầu năm, Tập đoàn Đèo Cả đang cùng với các cơ quan Nhà nước tích cực gỡ vướng xung quanh dự án Hầm Hải Vân 2 để tránh kịch bản xấu xảy ra là sẽ đóng cửa hầm vào ngày mùng 10 Tết.

Sự kiện thông hầm Hải Vân 2 diễn ra vào ngày 11-1-2021 vừa qua, không chỉ là niềm vui của Tập đoàn Đèo Cả vì đã chinh phục được công nghệ, chinh phục được khó khăn để về đích ngoạn mục, mà còn là niềm vui của người dân địa phương và cả nước. Thế nhưng, ngay trong lễ cắt băng khánh thành và thông hầm, Tập đoàn Đèo Cả bất ngờ thông báo sẽ mở cửa cho xe qua hầm này khoảng 20 ngày trong dịp tết rồi sẽ tạm đóng cửa.

Hầm Hải Vân 2 là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, do người Việt làm chủ từ việc đầu tư cho đến thiết kế, thi công, vận hành.

Phía Nhà nước vẫn chưa thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của hợp đồng

- Phóng viên: Ngay trong buổi lễ cắt băng khánh thành (11-1-2021), Tập đoàn Đèo Cả đã bày tỏ lo lắng khi hầm Hải Vân 2 đi vào hoạt động, trong đó nói đến những vướng mắc bất cập dù đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, thường trong tình trạng “được xem xét” và “tiếp tục xem xét”. Xin ông cho biết những vướng mắc cụ thể mà công trình hầm Hải Vân 2 đang gặp phải là gì?

+ Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC): Với việc thông hầm Hải Vân 2, chúng tôi đã hoàn thành chuỗi các công trình hầm của Dự án Đèo Cả, hoàn thành trách nhiệm của một bên của Hợp đồng Dự án với Nhà nước. Thế nhưng đến nay phía Nhà nước vẫn chưa thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của hợp đồng.

Chúng tôi đã có gần 20 văn bản gửi các cấp. Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải. Sự việc được chuyển qua chuyển lại nhiều bộ ngành rồi cuối cùng lại trình lại Chính phủ

Ông Ngọ Trường Nam

Cụ thể, chưa bố trí giải ngân đủ phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết tham gia. Theo kế hoạch ban đầu phần vốn ngân sách Nhà nước sẽ giải ngân hết cho Dự án trước năm 2018. Nhưng đến nay, sau ba năm vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân gây thiếu hụt nguồn vốn, làm phát sinh 125 tỷ đồng tiền lãi khi Nhà đầu tư phải huy động nguồn vốn bù đắp để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Đồng thời, xảy ra tình trạng một số nhà thầu khởi kiện vì chưa xác định được thời điểm giải ngân.

Việc thay đổi cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc này khiến Dự án mất nguồn thu, không có nguồn kinh phí quản lý vận hành và trả nợ hợp đồng tín dụng hầm Hải Vân 2 khi đã hoàn thành. Mặt khác nếu không tổ chức thu phí dẫn đến giảm phương tiện lưu thông qua hầm do bị phân lưu phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 1.

- Xin ông cho biết chi phí vận hành hầm và áp lực trả nợ ngân hàng hiện nay?

+ Ông Ngọ Trường Nam: Trong năm 2020, tổng chi phí để vận hành và trả nợ Hợp đồng tín dụng hầm Hải Vân 1 là 205 tỷ đồng, trong khi doanh thu được chia sẻ từ trạm Bắc Hải Vân chỉ là 189 tỷ đồng.

Khi đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác, kinh phí vận hành và trả nợ Ngân hàng sẽ phát sinh tăng thêm khoảng 354 tỷ đồng/năm.

Nếu các vướng mắc về tài chính của Dự án không được giải quyết sẽ không có nguồn kinh phí để duy trì việc vận hành hầm Hải Vân 2.

Các bộ đẩy qua đẩy lại, cuối cùng lại trình Chính phủ

- Gần đây, Tập đoàn tỏ rõ sự thất vọng về cách làm việc của cơ quan chức năng, cách giải quyết những bất cập của cơ quan chức năng thường luẩn quẩn, làm mất niềm tin của nhà đầu tư. Thưa ông, câu chuyện “luẩn quẩn” ở đây cụ thể là như thế nào? Câu chuyện ba năm nhà đầu tư đi kêu cứu các cơ quan chức năng như thế nào, thưa ông?

+ Ông Ngọ Trường Nam: Các vướng mắc này của Dự án không phải bây giờ mới nói mà từ năm 2018 đến nay chúng tôi đã có gần 20 văn bản báo cáo các cấp có thẩm quyền. Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại. Sau khi rà soát lại và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải lại kiến nghị lên Chính phủ. Sau đó, Chính phủ lại giao cho Bộ Tài chính rà soát lại. Bộ Tài chính rà soát, rồi lấy ý kiến các bộ, ngành tương tự Bộ Giao thông Vận tải và sau đó lại trình lại Chính phủ…

Cứ như vậy, sau mấy năm, những vướng mắc của nhà đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm và dừng ở mức “tiếp tục rà soát”. Điều này gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các tồn đọng đã kéo dài và làm rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, bao giờ giải quyết cho nhà đầu tư, giải quyết được bao nhiêu kinh phí…

Thật sự chúng tôi rất nản khi sự việc bế tắc, bị đẩy hết từ bộ này sang bộ khác và thiệt hại cho các nhà đầu tư ngày một lớn.

Lượng xe qua hầm Hải Vân 2 trong 24 giờ đạt hơn 5 nghìn lượt

- Xin ông cho biết những kịch bản sẽ xảy ra nếu tình huống xấu nhất vẫn đến là phải đóng cửa hầm Hải Vân 2 từ mùng 10 Tết?

+ Ông Ngọ Trường Nam: Suốt mấy năm qua chúng tôi đã báo cáo rất nhiều lần, nhiều cơ quan với hi vọng các vướng mắc được giải quyết. Công trình chúng tôi đã làm xong, sẵn sàng phục vụ người dân nhưng vì cách làm luẩn quẩn của cơ quan nhà nước mà người dân không được sử dụng các công trình an toàn. Ngừng vận hành hầm đường bộ Hải Vân 2 gây thiệt hại cho cả người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn điều đó.

Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm giải quyết những kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần.

- Để tránh cho kịch bản xấu xảy ra, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã kiến nghị những gì tới cơ quan chức năng?

+ Ông Ngọ Trường Nam: Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng. Chúng tôi kiến nghị phía Nhà nước thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đã ký với chúng tôi.

Đó là:

1. Bố trí giải ngân 1.180 tỷ đồng còn lại.

2. Giải quyết dứt điểm vướng mắc của trạm La Sơn - Túy Loan.

3. Đồng thời xác định thời hạn giải quyết để chúng tôi làm việc với ngân hàng về phương án trả nợ.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á

Từ 14 giờ ngày 1/2/2021 (20 tháng Chạp) Hầm Hải Vân 2 đã mở cửa cho các phương tiện lưu thông để giám áp lực giao thông trong dịp Tết. Chỉ trong 24 giờ đã có 5.369 lượt xe đi qua hầm từ Nam ra Bắc. Vận tốc trung bình tại hầm Hải Vân 2 và hầm Hải Vân 1 là 60 km/giờ, trước đây là 45 km/giờ.

Hầm Hải Vân 2 nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn một nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017.

Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 trên cơ sở hầm lánh nạn cũ và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng.

Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2 km, 2 làn xe rộng 7 m, đường dẫn phía Bắc 1,7 km và đường dẫn phía Nam 4 km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á.

HOÀNG MẠNH HÀ thực hiện