Trần Dương

Thị trường giảm sâu ở mức 36%, UBCKNN chỉ ra các nguyên nhân và nêu giải pháp khắc phục nhằm khôi phục thị trường

Admin

Tâm lý, những vụ bắt bớ, việc điều chỉnh lãi suất, dòng tiền quay lại với sản xuất… là những nguyên nhân cụ thể được UBCKNN nêu ra nhằm lý giải cho sự sụt giảm mạnh của TTCK trong thời gian qua. Bên cạnh đó, UBCK cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể để khôi phục lại thị trường.

Chiều ngày 11/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức lên tiếng về tình hình thị trường chứng khoán thời gian qua.

Theo UBCKNN, biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả tình hình trong nước lẫn những biến động của thế giới.

Tâm lý, những vụ bắt bớ, việc điều chỉnh lãi suất, dòng tiền quay lại với sản xuất… là những nguyên nhân cụ thể được UBCKNN nêu ra nhằm lý giải cho sự sụt giảm mạnh của TTCK.

Về tình hình trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của FED trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.

Một nguyên nhân khác cũng được UBCKNN xác nhận chính là yếu tố tâm lý. Theo đó, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.

Trong khi đó, diễn biến trên thế giới cũng có những tác động tiêu cực.

Cụ thể, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023: IMF (10/2022) hạ mức dự báo xuống còn 3,2% cho năm 2022 và 2,7% cho năm 2023, trong khi Ngân hàng thế giới (9/2022) ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023.

Mặt khác, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát.

UBCKNN đưa ra các giải pháp

UBCKNN cho biết đơn vị này đã và đang triển khai một số giải pháp để ổn định, bền vững và minh bạch TTCK Việt Nam.

Thứ nhất, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Thứ hai, thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho TTCK.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên TTCK như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis... và xử lý các tin đồn thất thiệt nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc phát triển TTCK minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Thứ tư, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh , theo đó không lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh mà lấy giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở (gồm 15 phút khớp lệnh định kỳ và kết quả phiên ATC).

Trong thời gian tới, UBCKNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.

LÊ TRÍ