Trần Dương

Thị trường chứng khoán giảm điểm lịch sử lên đến 61 điểm, dòng tiền đổ vào thị trường lên đến gần 1 tỷ USD, nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu và những bài học cần rút ra

Ngày 19/01/2021 là một “ngày đen tối” trong lịch sử của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi lần đầu tiên VnIndex giảm 61 điểm khi kết thúc phiên giao dịch. Ở chiều ngược lại, lượng tiền đổ vào thị trường lên đến gần 1 tỷ USD (hơn 20 nghìn tỷ đồng) phản ảnh những diễn biến khó lường của TTCK đang được đánh giá vào thời đỉnh cao.

Giảm điểm lịch sử

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch sáng 19/01/2021, VnIndex giảm sâu ở mức 75 điểm. Theo các chuyên gia phân tích, điều đó phản ảnh tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư F0 vốn không am hiểu về bản chất của thị trường.

Phiên 19/01, thị trường chứng khoán giảm điểm lịch sử lên đến 61 điểm, dòng tiền đổ vào thị trường lên đến gần 1 tỷ USD.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn S-Talk nhận định: “Nếu TTCK đang ở trạng thái tỷ lệ vay an toàn, việc bán bằng mọi giá là không cần thiết.”

Tuy nhiên, thị trường phiên sáng 19/1 đã không còn bình thường như lời khuyên của các nhà phân tích, các chuyên gia. Có đến 152 mã cổ phiếu giảm sàn trên HoSE, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã được bán bằng mọi giá. Theo đó, một loạt cổ phiếu ngân hàng vẫn còn giảm sàn cuối phiên như CTG, ACB, NVB, HDB, BID, MBB, VPB, STB.

Nhìn vào thị trường hôm 19/1 có thể thấy: Tình trạng bán tháo diễn ra mạnh mẽ khi nhiều nhà đầu tư-dù không có tin tức gì xấu-cũng hùa nhau bán cổ phiếu. Cảnh "chim sợ cành cong" một lần nữa xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư đã lãi cao, mỗi một rúng động của thị trường là họ lại hoảng loạn không biết cách nên ứng xử thế nào.

Nhà đầu tư F0 liên tiếp lao vào thị trường

Theo số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 12, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 63.243 tài khoản chứng khoán và đây cũng là tháng có số lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong lịch sử. Lũy kế năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới 393.659 tài khoản, con số kỷ lục từ trước tới nay và nhiều hơn 205.013 tài khoản so với năm trước (tăng 109%).

Cũng như thế hệ nhà đầu tư lúc thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2006-2007, những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường năm 2020-2021 đa phần là được thị trường chứng khoán kéo vào cuộc chơi. Họ hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị gì cho cuộc chơi này.

Kết thúc năm 2020, VN-Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng 142,88 điểm (14,87%) so với 2019. HNX tăng 98,1% lên 203,12 điểm. Tương tự, UPCoM-Index tăng 31,6% lên 74,45 điểm.

Từ nơi chứa đầy những lo lắng, hoảng loạn, thị trường chứng khoán năm 2020 lại trở thành nơi giúp nhiều nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận lớn. Theo thống kê, có 158 cổ phiếu tăng trên 100% sau hơn 252 phiên giao dịch của năm 2020 tính từ "đáy Covid". Trong đó, có những cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG của Hòa Phát ( HoSE: HPG ), GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ), THD của Thaiholdings ( HNX: THD ), SSI của Chứng khoán SSI ( HoSE: SSI )...

Đến với thị trường chứng khoán đúng thời điểm bùng nổ, nhiều nhà đầu tư dù mới gia nhập cũng lãi đậm. Thậm chí, những người càng dùng nhiều đòn bẩy vốn thì càng lãi cao. Thị trường điều chỉnh nhẹ thì F0 càng đua nhau mua cổ phiếu bất chấp giá cổ phiếu đã tăng ra sao.

Những bài học cần rút ra

Theo ông Nguyễn Trung Du, chuyên gia và một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm thì: “Thị trường vận hành theo quy luật giá trị. Khi nào vượt quá giá trị nó sẽ xuống và khi nào dưới giá trị nó sẽ lại bật lên (giống như quả bóng và mặt nước).”

Còn theo ông Nguyễn Hồng Điệp thì phiên giảm điểm hôm 19/1 là lịch sử, và không nên lấy bất kì bài học nào từ quá khứ để áp đặt, điều quan trọng là bám theo thị trường và dự đoán các kịch bản ứng phó với tương lai.

Theo CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thì: trên khía cạnh rất ngắn hạn thì sau một phiên giảm mạnh như hôm nay, thị trường sẽ có khả năng hồi phục kỹ thuật trong phiên tới để giúp các nhà đầu tư bán được với giá tốt hơn.

Cũng theo ông Du, chỉ các cổ phiếu cơ bản mới sản sinh ra dòng tiền dương cho thị trường và xứng đáng để lên giá về dài hạn. Nhóm này sẽ giúp Index về dài hạn là mãi mãi tăng. Trong khi đó nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ bản chất không sản sinh ra dòng tiền cho thị trường mà chỉ làm hao mòn dòng tiền bởi chi phí giao dịch, tăng vốn, kinh doanh thua lỗ, hủy niêm yết…

Còn theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC) thì: Về trung hạn và dài hạn, BVSC giữ vững quan điểm tích cực với TTCK Việt Nam. Thứ nhất, môi trường tiền rẻ được duy trì trên thế giới và Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tạo động lực để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Môi trường lãi suất thấp theo dự báo của BVSC có thể còn duy trì cho đến quý III/2021. Thứ hai, với việc tiêm vaccine chống Covid-19 rộng rãi hơn, khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ có phục hồi tốt từ đáy năm 2020.

Bên cạnh đó, điểm thứ ba, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh. Thứ tư, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục tạo động lực để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn.

AN NHIÊN