Trần Dương

Tập đoàn Hòa Phát nhảy vào sản xuất container

Sự độc chiếm và chi phối của các hãng tàu lớn, các nhà sản xuất và cho thuê container quốc tế lớn, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc làm thị trường vỏ container không ổn định khi nhu cầu biến động.

Tập đoàn Hòa Phát khởi động hai dự án sản xuất container tại Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu

Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã đăng thông tin tuyển nhân sự cho hai dự án sản xuất container có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam để giải quyết một phần tình trạng thiếu container trước mắt và tăng nguồn tiêu thụ lâu dài. Cụ thể, tập đoàn này tuyển kỹ sư cơ khí, hàn; kỹ sư điện, điện điều khiển; kỹ sư hóa và kỹ thuật viên sơn.

Do ảnh hưởng Covid-19, việc giải phóng, quay vòng container rỗng bị đình trệ, trong khi nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến khiến container bị khan hiếm trầm trọng. Ngành logistics toàn cầu đang vật lộn với tình trạng thiếu vỏ container.

Ngoài yếu tố về dịch bệnh kéo dài, theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm container là do năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn hạn chế, không có bãi tập kết container rỗng đủ lớn.

Trong khi đó, Việt Nam có rất ít đơn vị kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng. Chính vì vậy Việt Nam phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp logistics, các hãng tàu, các nhà xuất khẩu cũng khốn đốn về tình trạng này do Trung Quốc chi phối thị trường container. Giá thuê container đã tăng liên tục, từ vài lần đến hàng chục lần nhưng vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Tuy nhiên, sự tăng giá đột biến chưa phải là cơ hội mà các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được ngay. Do sản phẩm vỏ contaner là mặt hàng khá đặc thù. Thép dùng để sản xuất container phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về chịu lực, chống ăn mòn, thời tiết... Trên các tàu chở hàng cỡ lớn, nhiều khi 10 container được xếp chồng lên nhau, container ở dưới cùng phải chịu được trọng lượng tới khoảng 100 tấn.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất vỏ container đúng nghĩa, trừ một số doanh nghiệp chủ yếu cải tạo, sửa chữa container. Thậm chí, số lượng vỏ container ở Việt Nam là bao nhiêu, các container vô chủ nằm ở các cảng là bao nhiêu, đã mấy tháng nay, chưa có cơ quan quản lý nào hoàn tất số liệu đánh giá.

Chủ sở hữu container chủ yếu là các hãng tàu lớn trên thế giới như Maersk, MSC, COSCO, CMA CGM, Hapag-Lloyd, ONE, Evergreen. Ngoài ra là các công ty cho thuê container. Các công ty này chỉ sở hữu container, cho các hãng tàu và doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại.

Sự độc chiếm và chi phối của các hãng tàu lớn, các nhà sản xuất và cho thuê container quốc tế lớn, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc làm thị trường vỏ container không ổn định khi nhu cầu biến động. Giá một container hiện nay khoảng 4.000-5.000 USD.

Hiện các nhà sản xuất từ Trung chiếm phần lớn lượng cung ứng container trên toàn cầu. Chỉ có khoảng sáu công ty Trung Quốc đã chiếm 90% sản lượng container toàn cầu. Về mặt kỹ thuật, sản xuất container không khó, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lo cạnh tranh không nổi với Trung Quốc về mặt giá cả nên không dám đầu tư.

Nhận thấy việc thiếu thốn mang tính thời điểm của thị trường này, có sẵn năng lực sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát khởi động luôn hai dự án tại Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy đến nay chưa chốt hoàn toàn các điều kiện đủ để dự án hoạt động nhưng với năng lực sản xuất thép HRC của Hòa Phát (giai đoạn 2, năm 2022) thì dự án sản xuất vỏ container sẽ tiêu thụ cho tập đoàn này 1/5 triệu tấn thép HRC với giá thành cạnh tranh.

Hòa Phát dự kiến nhà máy sản xuất container sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý 2-2022 với công suất 500.000 TEU/năm (TEU là đơn vị đo tương đương một container loại 20 feet).

Nếu dự án này nhanh chóng đi vào hoạt động vào cuối năm sau thì khả năng tự cung ứng và chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu, logistics của Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu sẽ dễ giải quyết hơn so với tình trạng thiếu thốn như hiện tại.

Kim Điền