Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư tư nhân lớn về hạ tầng giao thông đường bộ vừa có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, "kêu" về những ràng buộc của định chế tài chính hiện hành làm khó doanh nghiệp BOT và đề xuất các giải pháp.
Theo Đèo Cả, xây dựng hoàn thành 3.800 km đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay là một mục tiêu thách thức. Với lý do nguồn vốn ngân sách hiện không dồi dào, nguồn tín dụng từ các ngân hàng ngày càng khó khăn.
Vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư tham gia dự án phải tìm ra một giải pháp huy động vốn mới, phù hợp, có sức hấp dẫn.
Theo ông Trần Văn Thế (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả), thời gian qua, tập đoàn đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông đường bộ có chất lượng, hiệu quả cao. Hiện, Đèo Cả đang được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở phía Bắc, ở Tây Nguyên…
Từ đó, doanh nghiệp này đã cùng các địa phương trên báo cáo Chính phủ cụ thể về phương thức huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP, trong đó có phương thức huy động vốn từ các nguồn lực khác thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp... "Vốn huy động các nguồn lực khác chỉ hiệu quả, thu hút được thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp", ông Thế nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo tập đoàn, các giải pháp trên đang bị vướng bởi các định chế tài chính hiện hành mà nếu không tháo gỡ, sẽ khó hấp dẫn, khó huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn, nhất là mục tiêu hoàn thành 3.800km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030 như Chính phủ đề ra.
Đó là vấn đề hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay ở dự án BOT.
Theo ông Trần Văn Thế, dự án PPP hình thức hợp đồng BOT là một hình thức kinh doanh đặc thù. Ở đó, thông thường vốn vay các tổ chức tín dụng sẽ chiếm trên dưới 70%/tổng vốn đầu tư.
Khi dự án hoàn thành và đi vào vận hành, có đặc điểm là doanh thu thời gian đầu thấp, từ 5-10 năm sau mới bắt đầu tăng lên. Nghĩa là những năm đầu, doanh nghiệp dự án BOT sẽ lỗ, lãi dần về sau.
Trong khi đó, quy định hiện hành lại buộc doanh nghiệp BOT chịu mức lãi vay ban đầu lớn (do dư nợ lớn) và giảm dần về sau (trả dần theo thời gian).
Theo Tập đoàn Đèo Cả, điều này là bất hợp lý, bởi các doanh nghiệp BOT có doanh thu thời gian đầu thấp lại phải trả vốn, lãi vay nhiều; trong khi doanh thu về sau cao hơn lại giảm áp lực trả khoản vốn, lãi vay. Điều này gia tăng áp lực lên nhà đầu tư và có thể gây nên những rủi ro cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và cho chính Nhà nước.
“Để giải quyết vướng mắc này, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, đặc biệt đã báo cáo nhiều lần đến lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng thời đã gửi văn bản đến Bộ để hướng dẫn hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay của các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT”, ông Thế nói.
Một trong các giải pháp quan trọng mà Tập đoàn Đèo Cả để xuất là huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu…, thu hút nguồn lực xã hội, giảm áp lực vay lên tổ chức tín dụng và cho doanh nghiệp dự án.
Nói về huy động vốn “các nguồn lực khác” thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Viết Huy - Vụ phó Vụ PPP (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng “đó là một giải pháp đúng luật và mở ra lối đi cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP)”.
“Để có nguồn lực đầu tư cho các dự án ngoài vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, ngoài vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thì việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức khác là rất cần thiết”, ông nói.
Ông Huy nói thêm: “Theo Luật PPP mới ban hành, ngoài việc vay vốn tổ chức tín dụng thì huy động vốn qua các tổ chức hay cá nhân hợp pháp đều đảm bảo. Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp với bối cảnh nguồn ngân sách không dồi dào ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cần phát triển hạ tầng đi trước một bước”.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), trong 5 năm qua, không có dự án PPP nào được triển khai mới. 5/8 dự án PPP cao tốc phía Đông đang triển khai không có nhà đầu tư tư nhân do không có ngân hàng nào cấp tín dụng.
“Mô hình huy động vốn và phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đèo Cả đề xuất là khả thi để khơi thông được nguồn lực tài chính trong xã hội. Cần quan tâm đề xuất này bởi đây chính là “sáng kiến pháp luật” xuất phát từ thực tiễn mà Nhà nước cần nghiên cứu để luật hoá nó”, Chủ tịch Hiệp hội Varsi nói.
Đặng Phương