Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang là “con nợ” của Credit Suisse. Lẽ thường khi con nợ có việc chủ nợ mới lo, nhưng với những chủ nợ lớn như Credit Suisse, các con nợ cũng đang “ngồi trên đống lửa”, nhất là từ cái thông điệp đầu tiên của UBS về việc “xóa sổ” 17 tỷ đồng trái phiếu AT1.
Thông tin từ HNX cho biết ngoài các trái phiếu phát hành trong nước, BIM Land có lô trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế liên quan tới Credit Suisse. Đây là lô trái phiếu BIMCD2126001 phát hành ngày 7/5/2021 kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 7/5/2026.
Theo đó, lô trái phiếu BIMCD2126001 có tổng giá trị 200 triệu USD, tương ứng khoảng 4.600 tỷ đồng, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần. Trái phiếu phát hành nhằm bổ sung quy quy mô vốn hoạt động hoặc thực hiện các dự án đầu tư.
Credit Suisse Limited (Singapore), Standard Chartered Bank (Singapore) Limited và UBS AG Singapore Branch là các bên bảo lãnh phát hành, trong đó Credit Suisse Limited là bên bảo lãnh phát hành chính. Tài sản đảm bảo được ghi nhận là do một bên thứ 3 thuộc hệ thống BIM bảo lãnh.
Thông tin giao dịch đảm bảo của BIM Land không có. Bên đăng ký thông tin là CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, bên đảm bảo là Công ty TNHH Tập đoàn BIM (BIM Group) và bên nhận đảm bảo là Credit Suisse AG, Singapore Branch.
Tài sản đảm bảo là 3,36 triệu cổ phần phổ thông của CTCP Bất động sản BIM thuộc sở hữu của BIM Group và cổ tức/lợi nhuận được chi gắn với số cổ phần này. Ngoài ra còn có các khoản tiền cộng dồn, tiền được phân chia, cổ phiếu thưởng hoặc ưu đãi, các quyền chọn… liên quan đến số cổ phần này.
Được biết, BIM Land thành lập từ năm 1994. Hiện tại, BIM Land có vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Quỹ đất hiện có khoảng 5,6 triệu m2 trải dài tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận và Lào. Thông tin từ HNX ghi nhận BIM Land hiện tại có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do ông Đoàn Quốc Huy là Tổng Giám đốc và ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT.
Với cách giải quyết các tồn đọng hiện tại của UBS khi tiếp nhận Credit Suisse, động thái đầu tiên là xóa sổ số trái phiếu AT1 khoảng 17 tỷ USD, thì các nhà đầu tư có thể tính đến những giải pháp xấu khi UBS sẽ mạnh tay xử lý những khoản “không muốn giữ”.
Bên cạnh đó, nhiều đồn đoán cho rằng UBS muốn thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse – do vậy những khoản đầu tư của Credit Suisse đang đứng trước sự đe dọa khi UBS mạnh tay.
Việc thực thi khi tiếp nhận Credit Suisse của UBS đang là tâm điểm chú ý của toàn cầu. Họ sẽ xử lý như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến câu chuyện các con nợ sẽ ra sao chưa ai đoán biết được tình hình.
Giới phân tích cho rằng với những lô vay nợ trái phiếu còn kỳ hạn dài như của Novaland hay BIM Land, kịch bản xấu nhất sẽ là phía Credit Suisse, UBS bán tháo cắt lỗ nhằm thu hồi một phần vốn. Lúc đó những trái chủ trong nước sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn.
LÊ TRÍ