Trần Dương

Hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 2021 khởi sắc

Admin

Dù trải qua một năm khó khăn và thách thức do dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhưng nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Quy trình, văn bản của OCB đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động

OCB: Lợi nhuận trước thuế đạt 5.519 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ngày 26/1 công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và trên vốn chủ sở hữu (ROE và ROA) duy trì ở mức cao, lần lượt là 2,59% và 22%. Tỷ lệ nợ xấu của OCB được kiểm soát, giảm xuống còn 0,97%, giảm 0,45 điểm % so với cuối năm 2020.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của OCB vừa công bố cũng cho thấy tổng tài sản của ngân hàng đến ngày 31/12/2021 đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn trên thị trường 1 (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

Kết quả này có được là nhờ việc số hóa toàn diện và kiểm soát tốt chi phí hoạt động tại OCB. Cụ thể, ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI đã được ngân hàng liên tục cải tiến với nhiều tính năng, dịch vụ mới.

Riêng trong năm 2021, số lượng người dùng OCB OMNI tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và phương thức định danh điện tử (eKYC) tăng 15 lần so với 2020.

Trong các hoạt động nội bộ, hầu hết quy trình, văn bản của OCB đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động. Đưa ngân hàng tiếp tục thành công trong việc quản trị chi phí hiệu quả với tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) năm 2021 ở mức 26,9%, nằm trong top 3 thấp nhất ngành ngân hàng.

SHB: Lợi nhuận trước thuế đạt mức 6.221 tỷ đồng

Cũng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng dù trải qua một năm khó khăn và thách thức do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt mức 6.221 tỷ đồng, tăng 90,3% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 107% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SHB đạt 506.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn điều lệ 26.674 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch tăng vốn; vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỷ đồng. Năm 2021, huy động vốn thị trường 1 của SHB đạt 379.000 tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, SHB kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa CIR xuống mức 24,22%, là một trong số các ngân hàng thương mại cổ phần kiểm soát chi phí tốt nhất. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiểm soát chặt ở mức 1,3%, tỷ lệ dự phòng/nợ xấu ở mức hơn 90%.

SeABank: Lợi nhuận trước thuế đạt 3.268 tỷ đồng

Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lợi nhuận trước thuế năm 2021 cũng ghi nhận mức tăng trưởng đến 89% so với năm trước đó, đạt 3.268 tỷ đồng, vượt 135% kế hoạch đã đề ra nhờ đa dạng hóa các nguồn thu và quản trị tốt hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, tổng số tiền lãi SeABank đã giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 287 tỷ đồng, đạt 552% so với cam kết.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SeABank tăng 31.456 tỷ đồng so với năm 2020, đạt 211.663 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 129.800 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 128.838 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 7.036 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2020.

Bằng việc điều hướng linh hoạt các hoạt động kinh doanh, tổng thu thuần ngoài lãi của SeABank năm 2021 đạt 1.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,3% trên tổng doanh thu. Mức tăng trưởng này đạt được thông qua các hoạt động tự doanh, phát hành chứng khoán, lợi nhuận hoa hồng bán bảo hiểm, phí dịch vụ và đặc biệt thông qua các sản phẩm, dịch vụ tài chính thực hiện trên nền tảng công nghệ số hiện đại, tiêu biểu là ứng dụng ngân hàng số SeAMobile.

Ngoài ra, tỷ lệ CIR giảm mạnh xuống 36% và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm ở mức 1,65%. Hệ số an toàn vốn CAR đạt 11,64%, cao hơn mức 8% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và đạt theo tiêu chuẩn tỷ lệ an toàn vốn của thế giới.

Không chỉ dừng lại ở kết quả kinh doanh và những con số ấn tượng, năm 2021 SeABank đã hai lần tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 14.785 tỷ đồng qua đó giúp nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn,tạo tiền đề để SeABank đầu tư toàn diện về nhiểu mặt như cơ sở vật chất, hệ thống, công nghệ...

Tường Lam