Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), nếu như năm 2020 ngành cá tra bị ảnh hưởng vì lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, thì năm 2021, từ quý III, tác động của dịch bệnh đã khiến cả ngành sản xuất, xuất khẩu lao đao.
Bước sang quý III, làn sóng Covid-19 thứ tư lan rộng khiến việc nuôi, chế biến và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất. Chi phí đầu vào gồm thức ăn, bao bì, phụ gia và hoạt động chế biến “ba tại chỗ” làm tăng giá thành nuôi trồng và chế biến. Cước tàu tăng 8-10 lần, các chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh là những khoản tiền mà doanh nghiệp không lường trước được. Hệ quả là cả quý III, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ.
Sau đó, ngành cá tra phục hồi trong quý IV. Xuất khẩu tháng 11 đạt 227 triệu USD, tăng 65% so với tháng 10 và tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cá tra đạt 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020. Việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp.
Dự báo Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục bị tác động như chính sách "zero Covid" khiến các địa phương ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch. Hệ quả là hàng hóa biên mậu liên tục đóng mở đầy bấp bênh.
Các nhà hàng Trung Quốc cũng không còn trong giai đoạn hồ hởi tiếp nhận cá tra như trước, mà chuyển sang xem xét chọn lựa cá nội địa. Các rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật từ việc kiểm soát Covid-19 tạo tâm lý dè dặt cho việc phát triển thêm các thực đơn từ sản phẩm này tại các nhà hàng.
Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 giảm 22% chỉ đạt 376 triệu USD. Nhập khẩu vào thị trường này liên tục sụt giảm mạnh từ quý III và kéo dài sang cả những tháng cuối năm. Nguyên nhân là kể từ lúc đợt dịch thứ tư bùng phát tại Việt Nam, Trung Quốc đã áp dụng ngày càng nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ. Các chính sách của nước này sẽ tiếp tục tác động đến xu hướng thị trường trong năm 2022.
Trong năm 2022, EU và Anh sẽ khó có đột biến tăng trưởng do vẫn chưa thấy được các kết quả thoát dịch bền vững. Bên cạnh đó, nhiều nước không chịu nổi mức giá tăng của cá tra từ áp lực cước vận chuyển tăng gấp 10 lần. Định kiến cá tra là loại cá thịt trắng rẻ tiền làm người tiêu dùng không dễ dàng chấp nhận chi trả cho mức tăng giá. Ngay cả Anh, thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ năm 2020 cũng sụt giảm 23% trong năm 2021.
Năm 2021 được xem là năm thành công của cá tra tại thị trường Mỹ khi giữ được mức tăng trưởng cao trong cả năm, tăng cả về lượng và giá xuất khẩu. Cụ thể 11 tháng 2021, kim ngạch vào thị trường này đạt gần 324 triệu USD tăng 48% so với cùng kỳ.
Kết quả này là nhờ thị trường Mỹ hồi phục nhanh chóng ngay sau khi hết giãn cách. Người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen như ăn ở nhà hàng, du lịch…
Trong khi đó, ở Việt Nam, khả năng cung ứng lại giảm do các nhà máy hoặc đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất do “ba-bốn tại chỗ”. Tuy nhiên, việc thiếu cục bộ này dự kiến sẽ khai thông trong năm 2022 khi các nhà máy ở Việt Nam quay lại hoạt động bình thường. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu đi Mỹ sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như tình hình năm 2021.
Bức tranh thị trường tuy còn nhiều thách thức nhưng đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022. Năm 2022, kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021.