Cụ thể, lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của GMD tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1.678 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, do đó lãi gộp của công ty đạt 656 tỷ đồng, tăng 13% so với 7 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, chi phí lãi vay của GMD được tiết giảm 23% so với cùng kỳ, đồng thời khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng 33% lên mức 120 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 7, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết chiếm 24% tài sản, đạt 2.461 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 18% lên 87,5 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11% xuống hơn 159 tỷ đồng.
Kết quả, GMD báo lãi sau thuế xấp xỉ 403 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ ghi nhận 331 tỷ đồng, tăng hơn 70 tỷ đồng tương ứng 27% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lạc quan đề ra, GMD đã thực hiện khoảng 60% kế hoạch doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến 31/7/2021, tổng tài sản của GMD đạt 10.254 tỷ đồng, tăng nhẹ 17 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6 đồng thời tăng 420 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Trong đó, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 664 tỷ đồng, tăng 24%; các khoản phải thu ngắn hạn gần 909 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.
Nợ phải trả tính tới 31/7 ghi nhận gần 3.337 tỷ đồng. Trong đó tổng nợ vay là 1.746 tỷ đồng, cụ thể dư nợ vay ngắn hạn hơn 689 tỷ đồng (giảm 10% so với đầu năm) và dư nợ vay dài hạn gần 1,057 tỷ đồng (giảm 7%so với đầu năm).
Trên thị trường, hưởng lợi từ yếu tố giá cước vận tải tăng tác động tích cực đến nhóm ngành logistics. Có thể điểm qua hàng loạt công ty có mức tăng trưởng đột biến về thị giá cổ phiếu như: Vận tải Hải An (HAH), Kho vận miền Nam (STG) và Gemadept (GMD).
Cụ thể, giá cổ phiếu GMD đang trên đà tăng điểm rất tích cực hướng tới vùng đỉnh lịch sử từng ghi nhận hồi năm 2007. Hiện tại, thị giá GMD đạt 49.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 9/8), ghi nhận mức tăng hơn 52% so với thời điểm đầu năm 2021.
AN NHIÊN