Trần Dương

Năm 2021, Viglacera đạt lợi nhuận trước thuế 1.575 tỷ đồng, vượt 146% kế hoạch năm, tăng 87% so với năm 2020, giá trị vốn hóa đạt mức 1 tỷ USD

Tổng công ty Viglacera (VGC) vừa công bố ước kết quả kinh doanh năm 2021. Theo đó, năm nay là năm đầu tiên kể từ khi thành lập lợi nhuận của công ty mẹ VGC đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Viglacera ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 87% năm trước, đạt 146% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với kế hoạch năm 2021 và tăng 56% so với năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế của Viglacera ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 87% năm trước, đạt 146% kế hoạch năm.

Năm 2021, Viglacera tập trung đầu tư và phát triển mở rộng quỹ đất KCN, mở rộng đầu tư tại các địa bàn mới. Đồng thời, công ty tiếp tục khẳng định được vị thế là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở công nhân.

Một trong các khách hàng lớn của Viglacera là Amkor, Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn đã đầu tư dự án 1,6 tỷ USD tại KCN Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh.

Không chỉ thành công trong mảng bất động sản công nghiệp, năm 2021 cũng là năm đánh dấu sự kiện VGC tăng sở hữu tại Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ (PFG) từ 35% lên 65% vốn điều lệ và chuyển từ công ty liên kết sang công ty con từ ngày 1/10/2021.

Cụ thể, với việc chính thức đi vào sản xuất tháng 12/2020, Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn I công suất 600 tấn/ ngày. Ngay trong năm đầu tiên Phú Mỹ đi vào hoạt động sản xuất đã vượt kế hoạch mục tiêu dự án.

Bên cạnh đó, với việc mua lại Nhà máy Bạch Mã, Viglacera hiện đang sở hữu 8 nhà máy sản xuất trên toàn quốc với tổng công suất các nhà máy đạt 43 triệu m2/ năm.

Amkor, Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn ký kết hợp tác với Viglacera thuê đất để đầu tư dự án 1,6 tỷ USD tại KCN Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, Viglacera cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư dây chuyền hiện đại nhất thế giới vào sản xuất tấm lớn porcelain bằng công nghệ Continua+ của Sacmi (Italia) tại Nhà máy Viglacera Mỹ Đức 2.

Dây chuyền được cập nhật các công nghệ tạo hình sản phẩm và in ấn trang trí mới nhất của SACMI để tạo ra các tấm porcelain khổ lớn cao cấp. Đây là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, khẳng định tầm nhìn và định hướng phát triển sản phẩm của Viglacera ở phân khúc cao cấp.

Năm 2014, Viglacera tiến hành IPO và bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom từ quý 4/2015 với giá trị vốn hoá khoảng 130 triệu USD.

Tính tới thời điểm tháng 12/2021, giá trị vốn hóa của Viglacera đạt trên 1 tỷ USD.

MINH TRÍ