Thành lập tháng 3/2018, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC (VNAMC) thể hiện sự nhạy bén chính sách và tiên liệu thị trường của giới chủ Tân Hiệp Phát sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Với lượng tiền mặt khổng lồ và không ngừng lớn thêm, nhà Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các nhà băng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản - thứ mà mà gia đình ông Trần Quí Thanh đang rất quan tâm tích luỹ.
Đặt trụ sở chính đặt tại số 194 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP. HCM, VNAMC có vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng, chia đều cho 2 nữ cổ đông sáng lập là hai ái nữ của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát: bà Trần Ngọc Bích (SN 1984) và bà Trần Uyên Phương (SN 1981). Trong đó, bà Trần Ngọc Bích đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc tại VNAMC.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, VNAMC vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó báo lỗ vài triệu đồng mỗi năm do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ.
Cụ thể, năm 2019, VNAMC báo lỗ thuần ở mức 11,4 triệu đồng, trong khi năm 2018 lỗ 3,6 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của VNAMC đều là 99,9 tỉ đồng. Có nghĩa, tài sản của công ty này vẫn hoàn toàn là vốn góp của chủ sở hữu (đã bị hao đi một phần nhỏ, bởi chi phí duy trì), chứ công ty gần như chưa có hoạt động nào đáng kể.
"Nếu nói Tân Hiệp Phát không có quỹ đất thì có vẻ hơi khiêm tốn. Tập đoàn hiện có một vài quỹ đất nho nhỏ, chỉ nói riêng 4 nhà máy chúng tôi đã có 160ha. Đất mà Tân Hiệp Phát có thể sử dụng, cái trong khu công nghiệp, cái ngoài khu công nghiệp. Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng nhỏ thôi, khoảng vài nghìn tỷ đồng", ông Trần Quí Thanh chia sẻ vào tháng 5/2018.
Tiếp theo đó, vào năm 2019, Tân Hiệp Phát có hàng loạt khu đất vàng tại Vũng Tàu, Đà Nẵng và TP.HCM.
Tại Đà Nẵng là lô đất 12.077m2 trên tuyến đường Bạch Đằng – phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn và lô đất diện tích 1.836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo (chuyển nhượng năm 2016). Tại TP. HCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh 'đất vàng' tại TP.HCM. Tại Vũng Tàu, Tân Hiệp Phát đã đấu giá thành công một lô 'đất vàng' trị giá 394 tỷ đồng tại khu vực trung tâm.
Để cụ thể cho việc chuyển hướng vào ngành bất động sản, Tân Hiệp Phát thành lập nhiều công ty BĐS với vốn điều lệ nghìn tỷ như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh; CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng; Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh, CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền, CTCP Đầu tư Bất động sản HBT… với quy mô vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.
Từ 2018 đến 2020, Tân Hiệp Phát bỏ ra khoảng 807 tỷ đồng để mua hoặc thông qua đấu thầu thắng nhiều khu đất có vị trí đẹp tại TP. HCM và Vũng Tàu.
Một số chuyên gia cho rằng, việc các công ty xử lý nợ "nở rộ" do nguồn cung về nợ xấu khá lớn, nhưng số lượng công ty chuyên về mua bán nợ lại không nhiều. Các ngân hàng liên tục rao bán, thanh lý tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu tồn động như phương tiện giao thông, kim khí đá quý, máy móc thiết bị và đặc biệt là bất động sản, là cơ hội để thúc đẩy thị trường mua bán nợ.
Như đã đề cập, gia đình nhà chủ Tân Hiệp Phát đang sở hữu một lượng tiền mặt khổng lồ.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, các thành viên trong gia đình ông Trần Quí Thanh sở hữu rất nhiều sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn tại hàng loạt nhà băng; cũng như lượng "sổ đỏ" đáng kể với các khu đất lớn và đắc địa.
Với "núi tiền mặt" của mình, nếu muốn, nhà Tân Hiệp Phát cũng có thể trở một địa chỉ "vay nóng" tiềm năng, bên cạnh cách làm truyền thống là gửi tiết kiệm ở ngân hàng - an toàn, hợp pháp nhưng lãi suất lại hạn chế.
Trong quá khứ, hoạt động điều tra xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) từng phát lộ chuyện đại gia Phạm Công Danh, trong quá trình thu xếp vốn để thâu tóm VNCB, cũng đã phải tìm đến ông Trần Quí Thanh để vay tiền.
Trong một diễn biến có liên quan, 9/11/2020, Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động liên quan tới CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành để phục vụ điều tra.
Theo đó, Cơ quan này cho biết đã nhận được đơn tố cáo của Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai, tố cáo các ông, bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "trốn thuế", xảy ra tại Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Xem ra con đường tấn công vào bất động sản của Tân Hiệp Phát có những gam màu sáng lẫn tối.