Được biết, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là dự án khu đô thị du lịch lấn biển đầu tiên của TP. HCM tại huyện Cần Giờ (còn gọi Saigon Sunbay). Dự án nằm trên địa bàn 2 xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP. HCM khoảng 50km.
Cần Giờ rộng 71.300ha, với hơn 70.000 dân, là địa phương duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23 km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Vào tháng 9/2022, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU (ngày 26/9/2022) về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Mới nhất, tháng 8/2023, TP. HCM đã thống nhất kế hoạch triển khai dự án, và dự kiến năm 2025 sẽ cấp giấy phép xây dựng để tiến hành đầu tư dự án theo quy định.
Cùng với đó, UBND TP. HCM đã báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP. HCM về chủ trương cho phép Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện khai thác cát tại khu vực vùng biển Cần Giờ để phục vụ dự án.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường, theo Bộ TN&MT, dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km về phía Bắc, nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn và kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7km và sông Lòng Tàu là 4,5km. Dự án có quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm, tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động.
Dự án sẽ tạo ra quỹ đất đủ lớn, tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh… Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP. HCM.
Về chủ đầu tư dự án, CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ thành lập tháng 9/2004, địa chỉ tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4/2017 công ty tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thục Hiền, sinh năm 1955. Tháng 9/2018 công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỷ đồng lên 32.261 tỷ đồng, hơn gấp 5 lần, và điều chỉnh lên tiếp thành gần 32.561 tỷ đồng vào tháng 2/2019.
Với dự án khủng này, trước đó, thời điểm khởi công năm 2007, Saigon Sunbay được quy hoạch với quy mô 600ha, trong đó, 400ha là đất xây dựng và 200ha là bãi biển nội bộ.
Tháng 6/2020 dự án được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 3800/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương mở rộng dự án, quy mô tăng từ 600ha lên 2.870ha với vốn đầu tư khoảng 217.054 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu 32.558 tỷ đồng, còn lại là vốn vay thương mại.
Thời hạn thực hiện dự án 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, và 50 năm kể từ ngày 11/7/2007 cho phần diện tích biển 600ha đã giao cho nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ngày 9/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Công văn gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho ý kiến về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500, dự án chia làm 5 phân khu. Trong đó, phân khu A quy mô 771,05ha là khu vui chơi giả trí (công viên, sân golf), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nhà ở… quy mô dân số 65.113 người.
Khu B quy mô diện tích 586,88ha là khu nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, công trình công cộng, dịch vụ đô thị (y tế giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính…), khu cây xanh, đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đô thị hiện đại, thông minh. Quy mô dân số 71.268 người.
Phân khu C quy mô 303,47ha là các khu trung tâm hành chính, kinh tế, thương mại dịch vụ văn phòng, bến cảng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khu đô thị hiện đại. Quy mô dân số 26.246 người.
Còn lại là khu D, E với tổng diện tích quy hoạch 1.208,6ha là các khu trung tâm thương mại nghỉ dưỡng cao cấp.
CHÂU HUY