Trần Dương

Petroland: Nhóm cổ đông lớn muốn triệu tập đại hội cổ đông bất thường, HĐQT khẳng định không đủ cơ sở pháp lý để triệu tập đại hội

Admin

Ngày 15/12, nhóm cổ đông lớn chiếm 37,1% của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, HOSE: PTL) công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông bất thường.

Tòa nhà Petroland Tower tại quận 7, TPHCM

Nhóm cổ đông lớn của Petroland gồm bà Trần Thị Ngọc Cư, sở hữu hơn 19,63 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 19,63% vốn điều lệ PTL và ông Đoàn Văn Đức, sở hữu hơn 17,56 triệu cổ phần, tương ứng 17,47% vốn. Tổng số cổ phần của hai cổ đông này là hơn 37 triệu cổ phiếu, tương ứng 37,1% vốn PTL. Đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Tấn Thụ. Nhóm này ra thông báo về việc lập danh sách triệu tập đại hội cổ đông bất thường, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 5-1-2021. Ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến là ngày 25-01-2021.

Nhóm cổ đông này đã gửi văn bản yêu cầu triệu tập cuộc họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 6-10-2020, nhưng cho đến ngày 7-12 thì HĐQT và Ban Kiểm soát công ty đã không triệu tập đại hội cổ đông bất thường.

Lý do triệu tập là giải quyết những vấn đề tồn tại trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 5 vừa qua. Tại cuộc họp đó, cổ đông đã phủ quyết nhiều vấn đề quan trọng.

Các nội dung không được thông qua gồm báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2019 và kế hoạch 2020, phương án bổ sung ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT.

Do đó, nhóm cổ đông này cho rằng nếu đại hội cổ đông không thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh thì sẽ khiến cho công ty không có định hướng để hoạt động, không có mục tiêu phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, HĐQT Petroland cũng có công văn phản hồi ngày 10-12, khẳng định nhóm cổ đông này không đủ cơ sở pháp lý để triệu tập đại hội cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

Cụ thể, sau khi xem xét nội dung văn bản của nhóm cổ đông, HĐQT nhận thấy các vấn đề, lập luận của nhóm cổ đông đưa ra là không đủ căn cứ pháp lý cũng như không đủ bằng chứng để chứng minh HĐQT Petroland vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý và cần thiết phải triệu tập cuộc họp đại hội cổ đông bất thường theo yêu cầu của nhóm cổ đông.

Theo đó, HĐQT của Petroland ban hành Nghị quyết 826 ngày 4-11 về việc thông qua không triệu tập ĐHCĐ bất thường, đồng thời có văn bản số 829 phúc đáp kiến nghị với nội dung bác bỏ những cáo buộc mà nhóm cổ đông này đưa ra.

Các cáo buộc này bao gồm những sai phạm về dự án Tương Hiệp Bình (Bình Dương), các khoản tạm ứng của giám đốc công ty, việc ban hành Quyết định thu phí chuyển nhượng của giám đốc và việc HĐQT đã vi phạm nghĩa vụ về bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ theo pháp luật. Những vấn đề trên cũng từng được đưa ra thảo luận tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5.

Theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5, một nội dung quan trọng là bầu bổ sung hai thành viên HĐQT theo đề xuất của nhóm cổ đông lớn không được đưa vào chương trình đại hội. Theo đó, người dự kiến được bầu bổ sung vị trí thành viên HĐQT là ông Nguyễn Tấn Thụ (hiện là đại diện ủy quyền của nhóm cổ đông lớn ở trên) và vị trí Thành viên HĐQT độc lập là ông Dương Văn Bắc.

HĐQT hiện tại của Petroland mới được bầu bổ sung vào cuối năm 2019, khi lãnh đạo nhiệm kỳ trước có sai phạm. Theo đó, cựu chủ tịch cùng nhiều đồng phạm chịu cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khiến Petroland thiệt hại hơn 50,6 tỉ đồng.

Công ty Petroland được thành lập từ năm 2007 và chính thức lên sàn chứng khoán từ năm 2010. Đến thời điểm hiện tại, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đang là cổ đông lớn nhất tại Petroland, nắm giữ 36,43% cổ phần. Hai cổ đông lớn tiếp theo là bà Trần Thị Ngọc Cư và ông Đoàn Văn Đức, lần lượt nắm giữ 19,63% và 17,47% vốn điều lệ.

KIM ĐIỀN