Trần Dương

Những thương vụ M&A kinh điển của thị trường Việt Nam: THACO rót hơn 1 tỷ USD vào HAGL, bầu Đức dần buông đứa “con cưng’’ của mình vì những quyết định sai lầm trong quá khứ – Kỳ 8

Admin

Hôm nay, 8/1/2021, HAGL Agrico (HNG) tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược để hoán đổi nợ, đồng thời huy động thêm vốn cho hoạt động kinh doanh thời gian tới. Bên cạnh đó có một chi tiết đáng chú ý, tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO ứng cử vào vị trí Chủ tịch HNG, hiện thực hóa việc kiểm soát HNG. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bầu Đức buông “con cưng” của mình.

Thương vụ 1 tỷ USD của THACO

Sau khi từ bỏ mảng kinh doanh bất động sản là nguồn thu chủ lực của tập đoàn để chuyển sang mảng nông nghiệp, HAGL liên tiếp vướng vào nợ nần chồng chất.

Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của HAGL, doanh nghiệp này có khoản nợ vay lên tới gần 26.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 12.000 tỷ đồng sẽ đến hạn trả trong chưa đầy một năm.

Khoản nợ lớn nhất được ghi nhận tính đến thời điểm đó là 9.000 tỷ đồng từ BIDV. Theo đó, có 181 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.985 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành.

Tại thời điểm 2017, hầu hết các ngân hàng đều là chủ nợ của HAGL như: VPBank, Sacombank, Eximbank…

Năm 2018, sau những khó khăn chồng chất, Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã buộc phải mời ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO giải cứu.

Quý I/2018, sau những khó khăn chồng chất từ thất bại liên tiếp trong ngành nông nghiệp ở các mảng: Mía đường, cao su, dầu cọ và chăn nuôi bò… Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), người một thời là người giàu nhất trên sàn chứng khoán vào năm 2008, với tổng tài sản lên đến 6.160 tỷ đồng, đã buộc phải cầu cứu ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO.

Tại buổi lễ công bố hợp tác, ông Đức thừa nhận, từ đầu năm 2018, trước những khó khăn mà tập đoàn gặp phải trong một thời gian dài, ông đã tìm gặp và đề nghị sự hợp tác, hỗ trợ của Chủ tịch THACO Trần Bá Dương. Và ông Dương đã đồng ý đầu tư vào HNG.

Trên thực tế, THACO sẽ đầu tư vào 2 công ty là Công ty CP Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myamar. Đối với HNG, thông qua Hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoảng nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, THACO và nhóm cổ đông của THACO sở hữu 35% HNG. Song song đó, Đại Quang Minh cũng đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên sở hữu 65% HAGL Myanmar.

Cụ thể, những khoản tài chính được THACO rót vào HAGL như sau: THACO sở hữu 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng, cho vay 2.464 tỷ đồng. Theo đó, công ty THADI do THACO thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng. Đồng thời, THADI cũng đã nhận nợ vay 2.500 tỷ và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ. Đại Quang Minh góp vốn 65% theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn 2 là 8.155 tỷ đồng.

"Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đối với các dự án của HAGL Myanmar, như triển khai thiết kế giai đoạn 2 và nâng cấp giai đoạn 1 với tổng diện tích đất 7,3ha, tổng diện tích sàn xây dựng là 730.000m2; bao gồm trung tâm giao thương mua sắm và giải trí hàng đầu Yangon theo mô hình khu phức hợp cao cấp kiểu mẫu: Trung tâm thương mại - Văn phòng - Khách sạn - Trung tâm hội nghị - Căn hộ cho thuê.

Vốn đầu tư xây dựng cho giai đoạn 2 ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, chi phí nâng cấp giai đoạn 1 là 535 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của dự án tại Myamar là 16.000 tỷ đồng", ông Trần Bá Dương chia sẻ với truyền thông.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ về mặt tài chính của THACO và năng lực xây dựng của Đại Quang Minh, HAGL đang tập trung thi công, hoàn thiện và sẽ khánh thành sân bay Nọng Khang vào ngày quốc khánh Lào (2/12/2019). Cùng với các dự án trước đã đầu tư, thì Chính phủ Lào đang nợ HNG khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, THADI cũng sẽ hỗ trợ HAGL các khâu vận chuyển, chế biến thành phẩm từ các sản phẩm của nông nghiệp.

Bầu Đức sẽ rời HAGL Agrico để tái cấu trúc HAGL nhằm sửa chữa những sai lầm?

Trong ĐHCĐ bất thường được tổ chức hôm nay, HNG đưa ra các định hướng:

(1) Hoán đổi hầu hết khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Trường Hải nhằm cải thiện các chỉ số tài chính để Công ty tập trung vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.

(2) Bổ sung vốn lưu động để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh theo chiến lược và kế hoạch từ năm 2021 đến hết năm 2023, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với nền tảng hữu cơ.

HAGL Agrico triệu tập ĐHCĐ bất thường hôm nay để tìm phương án tái cấu trúc và bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Hiện HAGL Agrico có vốn điều lệ 11.085 tỷ đồng, khi chào bán thành công, vốn điều lệ HAGL Agrico tăng thành 18.500 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm HAGL có thể bị giảm xuống khoảng 24,3% cổ phần nếu bán xong cổ phần trong tháng 1.

Như vậy, HAGL có khả năng không còn là công ty mẹ và không được hợp nhất báo cáo tài chính HNG vào báo cáo hợp nhất.

Hiện tại, HĐQT chỉ còn ba thành viên bao gồm ông Đoàn Nguyên Đức (là Chủ tịch), bà Võ Thị Mỹ Hạnh (thành viên HĐQT HAGL) và ông Nguyễn Hoàng Phi (Kế toán trưởng Thaco).

Cùng với việc ông Trần Bá Dương ứng cử vào vị trí chủ tịch HNG, rất nhiều khả năng bầu Đức sẽ chính thức rời khỏi HNG để tập trung hoàn toàn vào việc tái cấu trúc HAGL.

Với việc ông Trần Bá Dương ứng cử vào vị trí chủ tịch HNG, rất nhiều khả năng bầu Đức sẽ chính thức rời khỏi HNG.

Như vậy, hơn một thập kỷ từ một tên tuổi lẫy lừng của thị trường, một thương hiệu hàng đầu trong ngành bất động sản, bầu Đức đã rời xa đỉnh cao vào năm 2008 để cần những quyết định đúng đắn hơn nhằm đưa con thuyền HAGL tìm lại ánh hào quang khi xưa.

Liệu bầu Đức có thành công hay không, câu trả lời chỉ có ở thì tương lai.

Minh Trí