Trần Dương

Mở cửa kinh tế: Doanh nghiệp khát vốn lãi suất thấp

Admin

Trước đây, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì lãi suất cao, sản xuất không đủ bù lỗ nay quay lại sản xuất cần vốn lãi suất thấp mới gượng dậy được.

Doanh nghiệp khát vốn lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Nhưng “của ít, nhà đông con” thì nên ưu tiên chọn những doanh nghiệp nào, tổ chức ra sao để hiệu quả?

Giao thông vận tải, du lịch là 2 lĩnh vực đặc biệt khó khăn do dịch Covid-19 cần được hỗ trợ về vốn, lãi suất Ảnh: Tạ Hải

Ưu tiên đối tượng nào?

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng chia sẻ, đợt dịch vừa qua, hai nhà máy của doanh nghiệp đã phải áp dụng “3 tại chỗ”, đi kèm theo là hàng loạt các khó khăn khác như giá cước vận tải container, giá vật tư, bao bì, thức ăn chăn nuôi tăng vọt...

“Mọi chi phí đều tăng nhưng đơn hàng đã ký với đối tác từ năm ngoái không thể thay đổi. Chúng tôi chỉ có tăng sản lượng bù lại. Nhưng khi chi phí vượt giá bán thì càng làm càng lỗ. Tuy nhiên, là một mắt xích trong chuỗi toàn cầu, nếu không giữ cam kết thì khách sẽ chuyển đơn đi nơi khác, nước khác. Đến nay lợi nhuận tích lũy bao năm của công ty đã bị bào mòn hết”, ông Lĩnh than thở.

Do vậy, để duy trì sản xuất, công ty rất cần vốn với lãi suất thấp. Nhờ lợi thế xuất khẩu, Thuận Phước được vay vốn bằng ngoại tệ nhưng vẫn còn mấy trăm triệu vốn vay VND với suất khá cao.

“Nếu lãi suất vẫn 7 - 8%/năm, chỉ giảm mang tính động viên như thời gian vừa rồi thì doanh nghiệp đóng cửa còn hơn”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng thời gian qua đã lựa chọn đóng cửa vì lãi suất cao, sản xuất không đủ trả lãi và bù lỗ. Nay những doanh nghiệp này quay lại sản xuất nên cũng rất cần vốn và vốn lãi suất thấp mới gượng dậy được.

Do vậy, ông Lĩnh kiến nghị các bộ ngành có chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ để khi vốn tới tay doanh nghiệp chỉ còn 3 - 4%, vì kêu gọi ngân hàng giảm thêm lãi suất rất khó.

Không riêng Thuận Phước, được vay vốn lãi suất thấp là “khao khát” của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sau đợt dịch thứ 4.

Hiểu thấu nhu cầu sống còn này, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ngay sau đó, tại một hội thảo tài chính vừa diễn ra, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất một gói 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ cho vay các doanh nghiệp là 60.000 - 65.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước bàn bạc với Bộ Tài chính thì gói hỗ trợ lãi suất này có thể tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn cho doanh nghiệp vay lên khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM mới đây cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi được hỏi về việc triển khai gói tín dụng bù lãi suất để vốn đến tay doanh nghiệp có chi phí thấp hơn, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Ngân hàng Nhà nước ủng hộ nhưng gói hỗ trợ từ chính sách thì phải xem ngân sách có được bao nhiêu”.

Đặt vấn đề này với Bộ Tài chính, PV Báo Giao thông được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Hiện chưa thể thông tin cụ thể về gói cấp bù lãi suất này và Bộ Tài chính cũng đang chờ chỉ đạo từ Chính phủ.

Trước tình hình ngân sách hạn hẹp, quy mô gói cấp bù lãi suất này là bao nhiêu, bố trí nguồn vốn ra sao, khi Chính phủ có quyết định thì trong đó cũng đã cân nhắc và có phương án, giải pháp phù hợp về vốn.

Đặt giả thiết khi gói hỗ trợ được phê duyệt thì nên chọn đối tượng nào để ưu tiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, khi xác định đối tượng thụ hưởng, phải xác định những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong các ngành như: Giao thông vận tải; du lịch khách sạn, dịch vụ nhà hàng; khu công nghiệp, trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP bị giãn cách thời gian dài, phải ngừng sản xuất kinh doanh như tại các tỉnh Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…

Doanh nghiệp khát vốn nhưng cũng cần cơ chế

Năm 2009, khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất 16.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD theo tỷ giá thời điểm đó) với lãi suất hỗ trợ 4%/năm để hỗ trợ cho vay các dự án và chương trình đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã để lại những hệ lụy tương đối lớn bởi tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trên 20%, thậm chí gần 40% (hơn 37% năm 2009); Tiếp đó là lạm phát tăng vọt, đỉnh điểm là hơn 18% (năm 2011) nhưng tăng trưởng GDP lại không như kỳ vọng khi chỉ trong phạm vi 5 - 7% khi một phần dòng vốn đi không đúng hướng.

Về việc hạ lãi suất thời gian qua là do các ngân hàng hạ chi phí và lợi nhuận mà Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kiên quyết để ngân hàng thương mại có trách nhiệm đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất.

Bây giờ huy động từ người dân lãi suất 4 - 4,5%/năm, trừ đi lạm phát 3%/năm thì người dân có lợi nhuận ít nhất 2%, vậy cho vay doanh nghiệp là bao nhiêu? Chúng tôi cũng rất muốn giảm lãi suất, thậm chí muốn lãi suất cho vay chỉ 2 - 3%/năm thôi. Nhưng như vậy thì huy động chỉ trả lãi được ở mức 1 - 2 %/năm. Tuy nhiên, khi đó, người dân sẽ không gửi ngân hàng mà chuyển sang lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán thì nền kinh tế phải trả giá như những năm 2000, 10 năm chưa khắc phục hết hậu quả.

Điều kiện hiện nay buộc ngân hàng thương mại thắt lưng buộc bụng nếu không nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và gây bất ổn tới hệ thống ngân hàng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú

Thanh tra nội bộ ngân hàng khi đó đã phát hiện các tổ chức tín dụng chi hỗ trợ lãi suất sai đối tượng và đã thu hồi khoảng 200 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán vào cuộc cũng đã phát hiện sai phạm cho vay không đúng đối tượng; khách hàng sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất không đúng mục đích…

So sánh với tình hình hiện nay có thuận lợi hơn khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối lớn… nhưng ông Hùng cho biết, các doanh nghiệp đang bị tác động nghiêm trọng hơn nhiều đợt khủng hoảng hồi đó.

Nên nếu có gói hỗ trợ cấp bù lãi suất quy mô 3.000 tỷ đồng thì cũng “không thấm vào đâu”.

Bên cạnh đó có một thực tế éo le là những doanh nghiệp lớn, khỏe mạnh, khả năng tiếp cận vốn dễ dàng thì không cần hỗ trợ.

Còn những doanh nghiệp nhỏ, khó khăn cùng cực đang cần vốn chi phí thấp thì đang kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đang nợ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không có doanh thu, không có dòng tiền…

Và đa số các trường hợp này ở thời điểm hiện tại đều không đủ điều kiện vay vốn.

Do đó, ông Hùng cho rằng, trước khi nói về lãi suất cao hay thấp thì phải tháo gỡ chính sách trước để doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận được vốn.

“Doanh nghiệp đang nợ sẵn, nếu ngân hàng bơm thêm vốn đến lúc cả nợ mới và nợ cũ cùng không trả được thì lúc ấy ai chịu trách nhiệm hay lãnh đạo ngân hàng đi tù? Phải có cơ chế mới xử lý được nếu không thì rất khó triển khai, áp dụng”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, điều kiện vay vốn không thay đổi thì khó nói lên điều gì, vì cũng không thể bắt ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Gói 16.000 tỷ đồng giải ngân kém cũng vì doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận. Nên cứu doanh nghiệp cũng phải có cơ sở, không thể bắt ngân hàng chịu trận.

Ông Hùng cũng đề nghị phải nghiên cứu kỹ đối tượng, chính sách: “Doanh nghiệp rất cần chính sách nhưng chính sách phải đồng bộ chứ không riêng ngân hàng. Nếu để mình ngành ngân hàng đứng ra thì không được”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Viết Ngoạn cũng đồng quan điểm khi cho rằng, giảm lãi suất vốn vay bằng cách bù lãi suất như năm 2009 là không nên vì phức tạp, rủi ro so với các cách thức hỗ trợ khác.

Ông Ngoạn phân tích, để ngân hàng thương mại giảm lãi suất đầu ra thì phải giảm được lãi suất đầu vào. Nguồn vốn ngân hàng đang huy động từ dân cư, doanh nghiệp có thể giảm thêm nhưng không nhiều.

Do đó, chỉ còn cách Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ để giảm điều kiện ràng buộc làm tăng chi phí giá thành tiền tệ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc có thể bơm thêm tiền để các ngân hàng thương mại huy động được nguồn tiền với lãi suất rẻ. Đây là cách mà hầu hết các nước từ Anh, Mỹ… đều sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19.

“Ngân hàng Nhà nước nên tính toán thêm các điều kiện về lạm phát, nguồn vốn với lãi suất thấp đầu ra có chảy vào bất động sản, chứng khoán gây bong bóng tài sản hay không”, ông Ngoạn khuyến cáo.

Do đó, vốn có lãi suất thấp phải được tập trung vào những doanh nghiệp có thị trường, đầu ra sản phẩm tốt. Còn với những doanh nghiệp dù có khó khăn về tài chính nhưng chưa tìm được đầu ra, đứt gãy chuỗi cung ứng thì ngân sách xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế, phí.

 

Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập Quỹ bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp này với hạn mức lên đến 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, trước đây Chính phủ đã chỉ đạo và nhiều địa phương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn (28 quỹ) nhưng hoạt động không hiệu quả.

Thực tế đến nay nhiều địa phương còn xin giải thể quỹ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng cũng không hiệu quả. Ông Hùng cũng cho rằng, việc thành lập quỹ bảo lãnh này là thành lập thêm một bộ máy cồng kềnh.

Cao Sơn