Trần Dương

Làm phòng xông hơi, áp dụng thuật toán... sống chung với dịch

Admin

Hiện nay một số ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh đang tái khởi động mạnh mẽ và đơn đặt hàng khá nhiều. Đây là tín hiệu vui cho nhà sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.

Dù mở cửa nhưng dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đổi mới cách làm, tái cấu trúc để thích nghi với môi trường có dịch bệnh một cách an toàn.

Thích nghi với môi trường có dịch

Để sống chung và thích nghi với dịch, nhiều ông chủ DN đã nghĩ ra nhiều cách thức mới lạ. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May, yêu cầu các nhà máy xây dựng phòng xông hơi và khuyến khích người lao động cố gắng xông hơi. “ Đây là một trong nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh vì virus COVID-19 sợ hơi nóng” - ông Thiện lý giải.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, xác định sống chung an toàn với dịch bệnh là điều luôn phải nghĩ đến nếu muốn tái khởi động sản xuất thành công. Đây là điều kiện bắt buộc với các nhà sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay. Khi đã xác định tâm thế này, DN phải thay đổi nhiều phương thức hoạt động sản xuất.

Ví dụ, công ty đưa ra quy định về giữ khoảng cách an toàn và không gian cho người lao động. Nếu trước đây, người lao động cần 7 m2 để làm việc thì giờ cần đến gần 20 m2 và yêu cầu giãn cách trong quá trình làm việc là điều bắt buộc. Có nghĩa là bây giờ mọi người phải hạn chế gặp nhau, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, luôn giữ khoảng cách khi trao đổi với nhau. Lúc này tính đồng đội, sự thân thiện sẽ phải ưu tiên cho sức khỏe, vì mọi người đã nhận thấy rằng nhiễm bệnh rất nhanh một khi tiếp xúc gần.

“Ngoài ra, công ty phải tính toán đến việc làm nhà lưu trú cho công nhân để dễ dàng xử lý các ca bệnh, thiết kế lại hệ thống thông gió trong nhà máy để giảm mật độ virus. Đồng thời phải xây dựng một bộ phận y tế chuyên nghiệp tại công ty cũng như có sẵn bình ôxy, túi thuốc hỗ trợ bệnh nhân COVID-19” - ông Anh nói.

Lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cũng cho hay việc xây dựng các nhà máy tại nhiều địa phương đã giúp công ty giảm rủi ro, duy trì kinh doanh trong giai đoạn giãn cách. Cụ thể, hiện công ty có bốn nhà máy đặt tại Hải Dương, Quảng Ngãi, TP.HCM và Hậu Giang. Khi các nhà máy ở phía Nam có người nhiễm bệnh, nguy cơ phải đóng cửa hoặc áp dụng mô hình “ba tại chỗ” với lực lượng lao động bị thu hẹp thì nhà máy tại các vùng khác trở thành bệ đỡ chính.

Bà Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, nhìn nhận phải có chiến lược y tế nghiêm túc tại công ty để có thể sống chung với dịch bệnh. Đó là phát triển hệ thống giám sát tự động; xây dựng mô hình “hai xanh, một sạch”, nghĩa là nhà ở, chỗ ở xanh và nhân viên không bệnh.

Chẳng hạn, công ty sử dụng hệ thống camera hồng ngoại kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tự động nhận dạng tìm ra người sốt từ 38 độ C trở lên thì cách ly liền và thực hiện xét nghiệm kháng nguyên ngay tại chỗ. Đồng thời, công ty sử dụng thuật toán để xét nghiệm công nhân nhằm giúp phát hiện nhanh và chính xác người bị nhiễm COVID-19 nếu có.

“Chúng tôi cũng làm việc với các công ty bảo hiểm để cung cấp tủ thuốc cho DN điều trị những người bị nhiễm tại nhà mà không cần phải vào bệnh viện. Hay về chế độ ăn uống cho công nhân được thiết kế các khẩu phần hợp lý nhằm nâng cao hệ miễn dịch” - ông Mỹ nói.

Nhiều DN khác cũng cho hay sẽ không thể đi theo con đường cũ như trước mà cần những cách làm mới để vừa phục hồi vừa phát triển. Đó là quan tâm hơn đến công nhân về cả vật chất lẫn tinh thần, đầu tư thực chất cho khâu y tế tại nhà máy, có nhiều phương án kinh doanh hơn để chia sẻ rủi ro, tăng cường làm việc qua online để duy trì hoạt động kinh doanh thông suốt.

Nhiều doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã tái khởi động mạnh mẽ trở lại, đơn hàng khá nhiều. Ảnh: PM

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, để sống chung an toàn với dịch bệnh, DN phải đặt ba nhiệm vụ cùng một lúc. Đó là biết ứng phó, phục hồi và nghĩ đến phát triển. Nếu cứ loay hoay ứng phó và chưa nghĩ đến phục hồi thế nào thì khả năng phát triển bị hạn chế.

“Đồng thời, nhà lãnh đạo DN phải nhận diện được quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng là nền tảng kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Những yếu tố này sẽ dẫn đến thay đổi phương thức kinh doanh, mô hình kinh doanh và cách thức quản lý kinh doanh mới trong DN để thích ứng, tồn tại” - bà Thanh nhấn mạnh.

“Ai trụ được sẽ thành ông lớn trên thị trường”

Ví von dịch COVID-19 như một cơn bão có thể còn kéo dài, do đó tâm thế và vị thế lèo lái việc kinh doanh cũng phải trở nên khác biệt nên Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông khẳng định: Phải đối mặt với chính thực trạng này nếu muốn tồn tại và sống sót.

“Dịch bệnh có thể đã qua đỉnh nhưng chưa kết thúc và các DN vẫn còn phải sống chung với cơn bão này thêm một thời gian nữa. Đi kèm theo đó là những hệ quả của nó, tùy thuộc vào từng ngành nghề sẽ có thời gian chống chịu khác nhau” - ông Thông chia sẻ.

Điều may mắn, theo ông Thông, đây không phải là cơn bão đầu tiên DN từng đối mặt và cộng đồng DN vẫn duy trì niềm tin vào khả năng ứng biến kinh doanh, vẫn nỗ lực. Có điều lúc này nhà kinh doanh phải tìm ra cửa sống để thoát, phải kiếm được lợi nhuận thông qua đây. Khi đó, các DN sẽ lớn lên qua từng khó khăn, thất bại. Những ai trụ được có thể sẽ biến thành những ông lớn trên thị trường.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group, cũng cho rằng mỗi DN nên xem môi trường có dịch COVID-19 là bình thường trong đời sống. Ông cũng đúc kết kinh nghiệm cho thấy các cuộc khủng hoảng thường xuất hiện sau mỗi 10 năm và thông thường các cuộc khủng hoảng này đến rồi đi nếu DN giữ được niềm tin.

“Do đó, chúng ta phải thanh thản chấp nhận những gì không thể tránh được và can đảm dám sửa những điều mà bình thường sẽ không dám làm, không muốn làm. Chẳng hạn, nếu sản xuất thì lúc này cần thay đổi công nghệ ngay cũng như cần áp dụng phương pháp quản trị tốt theo tiêu chuẩn quốc tế càng nhanh càng tốt” - ông Tín nhấn mạnh.

Cách phát hiện nhanh COVID-19 trong nhà máy

Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng chuyện sống chung an toàn với dịch bệnh để hoạt động sản xuất, kinh doanh là điều mà mỗi DN phải đặt ra rất nghiêm túc. Đơn giản là với dịch bệnh lần này rất khó để quay trở lại trạng thái “zero COVID”.

Vì vậy, đầu tiên DN cần phải theo dõi sát sao tình hình dịch và sự thay đổi của chính sách để có thể đưa ra phương án duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thứ hai là duy trì sức khỏe cho nhân viên, qua đó giữ chân người lao động. Cụ thể là công ty chia công nhân thành những phân tổ, mỗi phân tổ 28 người. Mỗi ngày có 1-2 người trong phân tổ sẽ được chọn xét nghiệm nhanh, nếu có dấu hiệu dương tính thì cách ly liền.

“Chúng tôi không xét nghiệm đại. Với mục đích giám sát và phát hiện, chúng tôi sử dụng phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê là CNOK. C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế. Công thức này giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm COVID-19 trong nhà máy” - bà Mỹ nói.

 

Tái khởi động khó khăn nhưng đã có tín hiệu khởi sắc

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho biết bây giờ nhiều DN muốn tái cấu trúc, sản xuất an toàn nhưng vấp phải khó khăn thiếu hụt về tài chính, lao động, sức mua thị trường yếu. Tuy khó khăn nhưng các DN vẫn lạc quan khi từ ngày 1-10 vừa qua, TP.HCM đã nới lỏng giãn cách và đến nay đã có gần 10.000 DN trong ngành tái hoạt động, tái sản xuất, chưa kể DN đang áp dụng “ba tại chỗ”. Đáng chú ý, có những công ty dự kiến tuần tới sản xuất 100% công suất.

Bà Chi thông tin thêm: Đối với nhóm hàng sản xuất, chế biến xuất khẩu thuộc ngành lương thực, thực phẩm, thời gian qua các DN nợ đơn hàng, không xuất khẩu được do thiếu công nhân, thiếu container và giá container tăng cao. Song hiện nhóm này đang tái khởi động mạnh mẽ, đơn đặt hàng khá nhiều. Đây là tín hiệu vui cho nhà sản xuất, kinh doanh.

TÚ UYÊN

PHương Minh